Rượu bia là tác nhân gây bệnh của ít nhất 7 loại ung thư phổ biến ở Việt Nam.
Trong năm 2015, người Việt uống 3,4 tỷ lít bia, 68 triệu lít rượu, tăng 10% so với 2014, khiến Việt Nam trở thành nước tiêu thụ rượu bia nhiều nhất khu vực Đông Nam Á và thứ 3 châu Á.
Đáng lưu ý, tỉ lệ thanh niên Việt Nam uống rượu bia ngày càng tăng mà không hề hay biết đồ uống có cồn chính là 1 trong 5 nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và tàn tật trên thế giới.
|
Rượu bia là nguyên nhân của ít nhất 7 loại ung thư phổ biến ở Việt Nam. |
Tổ chức nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC) xếp rượu bia là tác nhân gây ung thư mức độ 1. Đây là nguyên nhân trực tiếp gây ra 7 loại ung thư phổ biến gồm: Miệng, thực quản, thanh quản, vú, gan, đại trực tràng, dạ dày.
Ngoài ra, rượu cũng có thể làm tăng nguy cơ ung thư buồng trứng, tuyến tiền liệt và tụy.
Theo BS Trần Quốc Bảo, phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, khi uống rượu sẽ chuyển hoá thành acetaldehyde. Khi vào cơ thể, acetaldehyde sẽ làm tổn thương các ADN và ngăn không cho tế bào sửa chữa các ADN bị tổn thương, dẫn đến ung thư.
Tác hại dễ thấy nhất của rượu bia là làm tổn thương các tế bào gan, gây xơ gan, dẫn đến ung thư gan.
Rượu bia cũng làm tăng khả năng hấp thu các chất gây ung thư, tạo điều kiện cho các hoá chất gây ung thư ngấm vào cơ thể, đặc biệt với những người hút thuốc lá.
Các loại đồ uống có cồn đóng vai trò trung gian trong quá trình sản xuất prostaglandins, oxy hoá lipid và tạo ra các oxygen gốc tự do gây tổn hại cho ADN của tế bào, gây ung thư.
Rượu đồng thời cũng hoạt động như dung môi kích thích sự thâm nhập của các phân tử gây ung thư khác vào tế bào cơ.
Không có ngưỡng an toàn
Theo PGS.TS Nguyễn Nghiêm Luật, nguyên trưởng bộ môn Hóa Sinh, Đại Học Y Hà Nội, tất cả các loại đồ uống có cồn đều có khả năng làm tăng nguy cơ mắc ung thư, ngay cả việc uống một lượng nhỏ. Không có ngưỡng uống rượu bia nào là an toàn để phòng bệnh ung thư.
Mức độ nguy cơ mắc ung thư phụ thuộc vào lượng rượu và thời gian uống rượu.
Ngay cả khi ngừng uống, cũng sẽ cần thời gian nhiều năm để nguy cơ mắc các loại ung thư nói trên giảm xuống mức bình thường như những người chưa bao giờ sử dụng rượu bia.
Hàng loạt nghiên cứu đã chỉ ra, nếu chỉ uống rượu bia 1 lần/tuần sẽ làm gia tăng 3-4% nguy cơ mắc các loại ung thư miệng, hầu, thanh quản, thực quản. Nếu uống 1,5 đơn vị rượu/ngày (tương đương 46 ml rượu 40 độ), nguy cơ sẽ tăng nguy cơ lên gấp 5 lần.
Với ung thư đại trực tràng, nếu dùng 1 đơn vị rượu/ngày sẽ làm tăng 9% nguy cơ mắc ung thư so với những người không uống. Những người nghiện rượu bia nặng, nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng có thể tăng lên 1,5 lần.
Đối với ung thư vú ở phụ nữ, rượu can thiệp vào chuyển hoá estrogen, ảnh hưởng đến nồng độ hormon và cụ thể estrogen. Phụ nữ thường xuyên uống 1,5 đơn vị rượu/ngày có thể gia tăng 5% mắc ung thư vú và nguy cơ sẽ tăng thêm 7-12% nếu lượng rượu tăng thêm 1 đơn vị.
Do đó các chuyên gia khuyến cáo, lý tưởng nhất vẫn là không nên uống rượu bia. Nếu uống chỉ nên giữ ở mức không quá 2 đơn vị/ngày.
Với phụ nữ, ung thư vú là ung thư gây tử vong hàng đầu. Tại Việt Nam,
nếu năm 2000 chỉ có 5.500 ca mắc mới thì đến 2015 tăng lên 12.500 ca. Với nam giới Việt Nam, lần lượt ung thư phổi, dạ dày, gan, đại trực tràng, thực quản, họng... chiếm tỉ lệ mắc lớn nhất. Năm
2000, ung thư dạ dày ở nam chỉ có 5.700 ca mắc mới thì đến 2010, con số
này tăng gần gấp đôi lên 10.400 ca. Lần lượt ung thư gan từ 5.700 lên
9.400 ca, ung thư đại trực tràng từ 2.800 ca lên 7.600 ca, ung thư thực
quản từ 817 ca lên 3.900 ca, ung thư vòm họng từ 2.000 lên 3.000 ca. |