Nghiên cứu mới cho thấy mức testosterone cao ở nam giới có liên quan đến nguy cơ phát triển ung thư da, tuy nhiên quan hệ nhân-quả vẫn chưa được chứng minh.
Theo Tổ chức Nghiên cứu Ung thư Vương quốc Anh, tổ chức tài trợ cho nghiên cứu, cứ 36 nam giới hoặc 47 nữ giới ở Vương quốc Anh thì sẽ có 1 người được chẩn đoán mắc bệnh ung thư da ác tính. Tổ chức này cũng cho biết 86% các trường hợp ung thư da ác tính có thể phòng ngừa được: tránh sử dụng giường tắm nắng hoặc tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời, nhưng cũng có các yếu tố nguy cơ khác, bao gồm tuổi tác và di truyền.
Hình minh họa. Nguồn: Today
Nồng độ testosterone cũng có thể là một yếu tố, ít nhất là ở nam giới. Tiến sĩ Eleanor Watts, tác giả nghiên cứu mới tại Đại học Oxford, cho biết: ''Mặc dù chúng tôi đã từng thấy mối liên quan giữa testosterone với ung thư tuyến tiền liệt, ung thư vú và nội mạc tử cung trước đây, nhưng đây là lần đầu tiên chúng tôi thấy mối liên quan với nguy cơ ung thư tế bào hắc tố ở nam giới".
Viết trên International Journal of Cancer, Watts và các đồng nghiệp báo cáo rằng họ đã nghiên cứu dữ liệu liên quan đến mức độ testosterone trong các mẫu máu do Ngân hàng Biobank của Anh thu thập từ 182.600 nam giới và 122.100 phụ nữ sau mãn kinh từ 40 đến 69 tuổi. Tất cả những người tham gia đều không bị ung thư trong ít nhất hai năm sau khi lấy mẫu và không dùng thuốc liên quan đến hormone khi bắt đầu nghiên cứu.
Các nhà nghiên cứu đã xem xét cả tổng mức testosterone trong mẫu máu, cũng như testosterone lưu thông tự do - nói cách khác là testosterone không liên kết với protein. Sau đó, họ tiếp tục theo dõi hồ sơ y tế để khám phá xem liệu những người được phân tích trong nghiên cứu có phát triển ung thư về sau hay không.
Kết quả cho thấy vào năm 2015-16, sau khi được theo dõi trung bình trong bảy năm, 9.519 nam giới và 5.632 phụ nữ sau mãn kinh - lần lượt là 5,2% và 4,6% số người tham gia - đã được chẩn đoán mắc bệnh ung thư da ác tính. (Không tính các trường hợp ung thư da không phải là ung thư da ác tính). Sau đó, nhóm nghiên cứu đã bù trừ một loạt các yếu tố bao gồm dân tộc, chỉ số cơ thể, hút thuốc, uống rượu và hoạt động thể chất để tìm hiểu xem liệu có mối tương quan giữa mức testosterone và các bệnh ung thư cụ thể hay không.
Kết quả cho thấy đối với nam giới, nồng độ testosterone cao hơn có liên quan đến nguy cơ phát triển khối ung thư da ác tính cao hơn. Mỗi lần tăng 50 pmol/L testosterone tự do sẽ làm tăng 35% nguy cơ phát triển bệnh ung thư này. Theo Watts, 90% nam giới tham gia nghiên cứu có nồng độ testosterone tự do trong khoảng từ 130 pmol/L đến 310 pmol/L.
Ngoài ra, nồng độ testosterone lưu thông tự do cao hơn có liên quan đến nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt ở nam giới cao hơn, trong khi ở phụ nữ sau mãn kinh, mức độ testosterone cao hơn, cho dù là testosterone tự do hay tổng số, đều có liên quan đến nguy cơ mắc ung thư nội mạc tử cung và ung thư vú.
Nhưng nghiên cứu có những hạn chế. Watts cho biết: ''Rất khó để khẳng định rằng chính testosterone đang có những tác động này chứ không phải là một dấu ấn sinh học khác có liên quan đến testosterone". Watts nói thêm rằng cần phải nghiên cứu thêm.
Hashim Ahmed, giáo sư tiết niệu tại Đại học Imperial College London, cho biết: “Nghiên cứu lớn này cho thấy mối liên hệ có thể có của testosterone với ung thư da. Chúng tôi đã điều trị ung thư tuyến tiền liệt bằng cách sử dụng thuốc kháng testosterone và tôi mong muốn nghiên cứu xem liệu các liệu pháp tương tự có thể hữu ích cho điều trị ung thư da hắc tố hay không”.
Tiến sĩ Samra Turajlic, chuyên gia tư vấn về ung thư tại Royal Marsden và là trưởng nhóm tại Viện Francis Crick, cảnh báo rằng nghiên cứu không chứng minh được nồng độ testosterone cao gây ra khối u ác tính. “Liệu nồng độ testosterone có liên quan đến các hành vi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, bao gồm cả tiếp xúc do nghề nghiệp hay không?”, cô nói. "Đối với tất cả mọi người, không phân biệt giới tính, cách tốt nhất để giảm nguy cơ ung thư da là tránh và giảm tiếp xúc với ánh nắng mặt trời có hại".
Nguồn: https://www.theguardian.com/science/2021/mar/31/higher-testosterone-levels-in-men-linked-to-greater-melanoma-risk