Những vấn đề sức khỏe về lâu dài ở trẻ bị sinh non đến nay vẫn còn là bí ẩn vì trẻ sinh non sống sót và trưởng thành mới chỉ xuất hiện nhiều kể từ những năm 1990.

Năm 1992, Girard, một nha sĩ ở Gatineau, Canada, mang thai 26 tuần và đang hưởng tuần trăng mật ở Cộng hòa Dominica. Bỗng nhiên cô bắt đầu bị chảy máu, các bác sĩ tại phòng khám địa phương cho rằng em bé đã chết, nhưng Girard cảm thấy một cú đạp. Sau đó, các bác sĩ kiểm tra nhịp tim của thai nhi và nhận ra em bé vẫn còn sống. Cặp vợ chồng đã di chuyển cấp cứu bằng đường hàng không đến Montreal, Canada, rồi được đưa đến Trung tâm Bệnh viện Đại học Sainte-Justine. Năm giờ sau, Girard sinh bé gái Camille Girard-Bock chỉ nặng 920 gram. Sau ba tháng chăm sóc đặc biệt, Girard được đưa bé về nhà.

Marcelle Girard và bé Camille mới chào đời.

Camille Girard-Bock năm nay 27 tuổi và đang học tiến sĩ về khoa học y sinh tại Đại học Montreal. Cùng với các nhà nghiên cứu tại Sainte-Justine, cô đang nghiên cứu cách giải quyết các hậu quả lâu dài ở những em bé chào đời khi mới được 25 - 28 tuần.

Các gia đình thường cho rằng những vấn đề lớn phát sinh từ việc sinh non sẽ bộc lộ khi đứa trẻ đến tuổi đi học, độ tuổi dễ phát hiện các vấn đề phát triển thần kinh, Girard-Bock nói. Nhưng thực tế không nhất thiết như vậy, nhóm của cô phát hiện, ngay cả khi đã đến tuổi trưởng thành, trẻ sinh non vẫn có nguy cơ mắc bệnh tim mạch - và các bệnh mãn tính khác có thể tiếp tục xuất hiện theo thời gian.

Một nhóm dân số “mới”

Cuối thế kỷ XX đã mang lại những thay đổi lớn cho y học sơ sinh. Lex Doyle, bác sĩ nhi khoa và giám đốc trước đây của Victorian Infant Collaborative Study - VICS, nhớ lại, khi ông bắt đầu chăm sóc trẻ sinh non vào năm 1975, rất ít trẻ sống sót nếu sinh ra dưới 1.000 gram - cân nặng tương ứng với khoảng 28 tuần thai. Sự ra đời của máy thở, vào những năm 1970 ở Úc, giúp nhiều trẻ sinh non sống sót hơn, nhưng cũng gây ra chấn thương phổi, theo Doyle, hiện là phó giám đốc nghiên cứu tại Bệnh viện Phụ nữ Hoàng gia, Melbourne, Australia. Trong những thập kỷ tiếp theo, các bác sĩ bắt đầu kê corticosteroid cho các bà mẹ buộc phải sinh non để giúp kích thích phát triển phổi của trẻ sơ sinh. Nhưng sự khác biệt lớn nhất giúp trẻ sinh non sống sót xuất hiện vào đầu những năm 1990: bổ sung chất hoạt động bề mặt. Thiếu hụt chất hoạt động bề mặt - thành phần có tác dụng làm giảm sức căng bề mặt và duy trì tính ổn định của phế nang, ngăn ngừa xẹp các phế nang nhỏ ở cuối thì thở ra - là nguyên nhân gây suy hô hấp ở trẻ sinh non.

"Tôi nhớ khi phương pháp này xuất hiện," Anne Monique Nuyt, bác sĩ sơ sinh tại Sainte-Justine và là một trong những cố vấn cho gia đình Girard-Bock, kể. "Đó là một phép lạ." Nguy cơ tử vong ở trẻ sinh non giảm 60 đến 73% so với trước đó.

Và bây giờ, lần đầu tiên các nhà nghiên cứu có một nhóm dân số sinh non còn sống và trưởng thành để hiểu được hậu quả lâu dài của việc sinh non. Bây giờ là thời điểm xuất hiện các kết quả từ các nghiên cứu đã theo dõi trẻ sinh non từ khi sinh ra đến khi trưởng thành, cung cấp dữ liệu về các tác động lâu dài; theo đó là các nghiên cứu nhằm giảm thiểu hậu quả đối với sức khỏe của trẻ sinh non. Những dữ liệu này có thể giúp cha mẹ đưa ra quyết định khó khăn về việc có nên giữ trẻ sinh non hay không.

Ngày nay, nhiều bệnh viện thường xuyên điều trị và cứu được trẻ sinh ra trong khoảng từ 22 đến 24 tuần. Tỷ lệ sống sót khác nhau tùy thuộc vào các loại can thiệp mà bệnh viện có thể cung cấp. Ví dụ, ở Vương quốc Anh, 35% trẻ 22 tuần tuổi sống sót, và tỉ lệ này là 38% với trẻ 23 tuần tuổi và 60% với trẻ sinh ra sau 24 tuần.

Đối với những em bé sống sót, sinh càng non thì nguy cơ biến chứng hoặc khuyết tật càng cao. Có rất nhiều vấn đề nguy cơ, bao gồm hen suyễn, rối loạn phổ tự kỷ, bại não, động kinh, suy giảm nhận thức, v.v... Casey Crump, một bác sĩ gia đình và nhà dịch tễ học tại Trường Y khoa Icahn ở Mount Sinai, New York, lưu ý rằng hiện nay trẻ sinh nonthường không được chăm sóc y tế đặc biệt khi lớn lên.


Camille Girard-Bock, sinh non khi chỉ 26 tuần tuổi, hiện đang nghiên cứu về những ảnh hưởng của sinh non.

Đề phòng

Các bác sĩ nên đề phòng điều gì ở những trẻ sinh non khi chúng lớn lên? Dựa trên dữ liệu lấy từ cơ quan đăng ký khai sinh của Thụy Điển, Crump và các đồng nghiệp của ông đã xem xét hơn 2,5 triệu người sinh từ năm 1973 đến 1997 và kiểm tra hồ sơ của họ về các vấn đề sức khỏe cho đến cuối năm 2015.

Kết quả - được đăng trên Tạp chí của Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ năm ngoái - cho biết, trong số 5.391 người sinh non, 78% có ít nhất một tình trạng sức khỏe biểu hiện ở tuổi thiếu niên hoặc trưởng thành, chẳng hạn như rối loạn tâm thần; trong khi chỉ 37% những người sinh đủ tháng gặp những vấn đề này.

Khi các nhà nghiên cứu xem xét các yếu tố dự đoán về tỷ lệ tử vong sớm, chẳng hạn như bệnh tim, 68% số người sinh rất non có ít nhất một yếu tố, so với 18% người sinh đủ tháng.

Tuy nhiên, những dữ liệu này bao gồm những người sinh ra trước khi xuất hiện việc sử dụng chất hoạt động bề mặt và corticosteroid, vì vậy không rõ liệu kết quả thống kê có phản ánh tình trạng sức khỏe của những em bé sinh non hiện nay hay không.

Các nhà nghiên cứu đã phát hiện xu hướng tương tự trong một nghiên cứu về những ca sinh cực kỳ sớm ở Anh. Theo kết quả được công bố đầu năm nay, nhóm nghiên cứu EPICure, đứng đầu bởi bác sĩ sơ sinh Neil Marlow, Đại học College London, đã phát hiện, 60% những người sinh non khi đến 19 tuổi bị suy yếu ở ít nhất một khu vực tâm thần kinh, thường là nhận thức.

Những khuyết tật như vậy có thể ảnh hưởng đến giáo dục cũng như chất lượng cuộc sống. Craig Garfield, bác sĩ nhi khoa tại Đại học Y khoa Feinberg thuộc Đại học Tây Bắc và Bệnh viện Nhi Lurie ở Chicago, Illinois, và các đồng nghiệp đã phân tích điểm kiểm tra tiêu chuẩn và đánh giá của giáo viên đối với trẻ em sinh ra ở Florida trong khoảng thời gian từ năm 1992 đến 2002. Trong số những trẻ sinh non ở 23 hoặc 24 tuần, 65% được coi là sẵn sàng bắt đầu đi mẫu giáo ở độ tuổi tiêu chuẩn, tức 5 đến 6 tuổi (đã được điều chỉnh để bù trừ cho thời gian sinh non). Trong khi đó, ở độ tuổi này, 85,3% trẻ sinh đủ tháng đã sẵn sàng đi học mẫu giáo.

Mặc dù có khởi đầu khó khăn, nhưng khi đến tuổi thiếu niên, nhiều trẻ sinh non có triển vọng tích cực. Khi Marlow dành thời gian với trẻ sinh non trong nghiên cứu của ông và gia đình của các em, nỗi lo lắng của ông về các vấn đề thần kinh nghiêm trọng giảm dần. Ngay cả khi có những vấn đề như vậy, chúng cũng không phải là hạn chế lớn đối với trẻ sinh non. "Sự thật là phần lớn những người sống sót ở 22 tuần không bị khuyết tật nghiêm trọng," ông nói.

Nguồn:

https://www.nature.com/articles/d41586-020-01517-z
https://linkinghub.elsevier.com/retrieve/pii/S0022347616301767
https://www.jpeds.com/article/S0022-3476(18)30592-4/fulltext