Trước khi nhân loại có sự hiểu biết chính xác về nguồn gốc dịch bệnh, người ta tin rằng bệnh truyền nhiễm liên quan đến sự nổi giận của các vị thần, các hành tinh xếp thẳng hàng với nhau, hoặc thậm chí là do không khí bị nhiễm độc.
Các bệnh truyền nhiễm đã có từ thời kỳ con người sống bằng hình thức săn bắn, hái lượm. Nhưng khi con người chuyển sang canh tác nông nghiệp cách đây khoảng 10.000 năm, họ bắt đầu tập trung lại thành những cộng đồng đông người, khiến dịch bệnh dễ lây lan hơn.
Trong quá khứ, con người từng lý giải sự xuất hiện của dịch bệnh bằng những điều mê tín và lý thuyết kỳ quái. Điển hình như quan niệm cho rằng bệnh dịch hạch Cyprian cổ đại có thể lây nhiễm nếu nhìn chằm chằm vào khuôn mặt của người mang bệnh. Ngay cả khi làn sóng dịch bệnh tàn phá nhiều lần các trung tâm dân cư lớn, phải mất hàng thế kỷ để giới khoa học hiểu biết đầy đủ về thế giới vô hình của vi khuẩn, virus và cách thức chúng gây bệnh.
Một số văn hóa cổ đại đổ lỗi dịch bệnh cho sự trừng phạt hoặc báo thù của các vị thần. Theo tác phẩm thần thoại Hy Lạp “The Iliad” của Homer, thần Apollo bắn những mũi tên mang mầm bệnh dịch hạch vào quân đội Hy Lạp trong cuộc chiến thành Troia, khiến vô số động vật và binh lính thiệt mạng. Mũi tên của thần Apollo sau này trở thành biểu tượng của bệnh tật và cái chết.
Suốt nhiều thế kỷ, bệnh dịch hạch đã gây ra những cái chết thương tâm khi nó tấn công vào các hạch bạch huyết của con người, gây viêm phổi hoặc nhiễm trùng máu. Trong đại dịch Cái chết Đen (Black Death) vào giữa những năm 1300, căn bệnh này khiến hơn 20 triệu người châu Âu thiệt mạng. Nhiều người tin rằng, việc hắt hơi không chỉ làm lây lan Cái chết Đen mà còn trục xuất linh hồn của họ ra khỏi cơ thể.
Mặc dù thủ phạm chính làm lan truyền bệnh dịch hạch là bọ chét mang vi khuẩn Yersinia pestis, nhưng các chuyên gia y tế tại thời điểm đó đã có những cách lý giải khác liên quan đến chiêm tinh học hoặc hơi độc.
Năm 1348, vua Philip VI của Pháp yêu cầu những chuyên gia y tế giỏi nhất tại Đại học Paris báo cáo lại cho ông về nguyên nhân gây ra bệnh dịch hạch. Trong một tài liệu chi tiết gửi lên nhà vua, họ đổ lỗi dịch bệnh có nguồn gốc từ các thiên thể trên bầu trời.
Cụ thể, họ viết rằng: “Vào một giờ chiều ngày 20/3/1345, ba hành tinh sao Thổ, sao Hỏa và sao Mộc nằm thẳng hàng với nhau ở vị trí chòm sao Bảo Bình. Sao Mộc hút các hơi độc lên khỏi mặt đất [trên Trái đất]. Sau đó, sao Hỏa với tính chất nóng và khô tiếp tục đốt nóng hơi độc, khiến nó lan tỏa trong không khí. Gió trên Trái đất thổi hơi độc bay đi xa. Những người hít phải hơi độc bị giảm sinh lực sống, và đây là nguyên nhân trực tiếp của dịch bệnh hiện nay.”
Vài thế kỷ sau, hơi độc mang mầm bệnh được gọi là “miasma”. Mọi người đều tin không khí có mùi khó chịu tiềm ẩn khả năng gây bệnh. Điều đó giải thích tại sao trong đợt bùng phát dịch hạch vào năm 1665, một số bác sĩ đeo mặt nạ hình mỏ chim chứa đầy hoa có mùi thơm ngọt ngào để bảo vệ bản thân không bị nhiễm bệnh.
Đầu thập niên 1600, người dân ở London – bao gồm nhà soạn kịch và nhà thơ nổi tiếng người Anh William Shakespeare – sống trong một môi trường khá ô nhiễm cùng với những con chuột, rác rưởi, bọ chét và rãnh nước trên đường phố chứa đầy nước thải. Shakespeare cho rằng bệnh dịch hạch có nguồn gốc từ không khí. Thậm chí ông còn sai lầm khi nhận định bệnh sốt rét hình thành do hơi nước đầm lầy che phủ Mặt trời. Trên thực tế, căn bệnh này lây lan ở Anh thông qua những con muỗi sống dọc sông Thames. Muỗi là tác nhân chính làm lây truyền ký sinh trùng sốt rét Plasmodium từ người bệnh sang người khỏe mạnh.
Những lần xuất hiện đại dịch đôi khi nuôi dưỡng thành kiến và sự hồ nghi. Một số cộng đồng bị tổn thương tìm cách đổ lỗi cho cộng đồng khác là những kẻ gieo rắc dịch bệnh. Ví dụ, ở châu Âu thời Trung Cổ, bệnh dịch hạch trở thành cái cớ để người ta chế giễu và tàn sát người Do Thái. Các tín đồ theo đạo Cơ Đốc nói rằng người Do Thái đầu độc giếng nước của họ, thông đồng với quỹ giữ để truyền bệnh. Trong một cuộc tàn sát lớn vào ngày 14/2/1349, khoảng 2.000 người Do Thái bị thiêu sống tại thành phố Strasbourg (Pháp).
Vào thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, dịch tả lan rộng khắp châu Âu trở thành chủ đề của các thuyết âm mưu liên quan đến yếu tố giai cấp. Những người nghèo và nhóm người bị thiệt thòi cáo buộc giới cầm quyền muốn tiêu diệt họ bằng cách tạo ra bệnh dịch tả và cố tình đầu độc họ. Tại nhiều quốc gia [như Nga, Ý, Anh,..], người dân gây ra một số vụ bạo loạn, giết hại các thành viên của sở cảnh sát, chính phủ và cơ sở y tế.
Trong trường hợp không có lời giải thích đúng đắn về mặt khoa học, đại dịch thường truyền cảm hứng cho mọi người tìm kiếm câu trả lời dựa trên bất cứ điều gì họ quan sát xung quanh. Đối với bệnh cúm Nga năm 1889, những lý thuyết sai lầm nhanh chóng phát triển thành tin đồn được phổ biến rộng rãi. Tờ báo New York Herald thời bấy giờ suy đoán, bệnh cúm có thể lây truyền qua các dây điện báo sau khi thấy một số lượng lớn người điều khiển máy điện báo mắc bệnh.
Nhiều người khác đề xuất giả thuyết bệnh cúm bắt nguồn từ các lá thư gửi từ châu Âu, bởi vì những người đưa thư bắt đầu ngã bệnh. Tại Detroit, các nhân viên thu ngân ở ngân hàng nhiễm bệnh khiến mọi người vội vàng kết luận cúm Nga lây lan từ việc tiếp xúc với tiền giấy. Các “thủ phạm” khác được đồn đại bao gồm bụi, tem bưu chính và sách thư viện.
Nhờ sự phát triển của khoa học, con người phát hiện nguyên nhân gây ra dịch bệnh chủ yếu là virus, vi khuẩn. Một số căn bệnh nguy hiểm hiện nay đã có thuốc chữa và vaccine phòng ngừa, nhưng cũng có những bệnh truyền nhiễm mới xuất hiện mà chúng ta chưa tìm ra thuốc điều trị.