Bệnh nhân sốt xuất huyết không được điều trị đúng cách hoặc muộn có thể gặp phải biến chứng tràn dịch màng phổi, rối loạn nguyên tố đông máu như chảy máu cam dữ dội, rong kinh, xuất huyết đường tiêu hóa... thậm chí tử vong.

Tự ý dùng thuốc hạ sốt và hạ sốt dồn dập


Sử dụng thuốc hạ sốt với liều lượng cao sẽ gây tổn thương đến gan từ đó làm rối loạn thêm tình trạng đông máu. Hơn nữa sốt xuất huyết là bệnh do virus gây ra nên nhiệt độ hạ cũng chỉ được một thời gian ngắn và sẽ tăng cao trở lại.


Aspirin và Ibuprofen không được dùng để hạ sốt trong sốt xuất huyết
Aspirin và Ibuprofen không được dùng để hạ sốt trong sốt xuất huyết.

Ngoài ra, sử dụng Aspirin để giảm sốt cũng là con đường dẫn tới biến chứng nhanh nhất. Vì sốt xuất huyết gây hiện tượng chảy máu trong khi Aspirin có tác dụng ngăn tiểu cầu tập kết, hạn chế đông máu. Do đó làm tình trạng xuất huyết nghiêm trọng hơn, đặc biệt là xuất huyết dạ dày dữ dội, dẫn đến tử vong.

Tốt nhất, trước khi dùng thuốc hạ sốt nên kết hợp các biện pháp khác như chườm mát bằng khăn nhúng nước lạnh vắt sơ chườm trán, nách, bẹn và lưng, cổ, nằm nơi thoáng đãng, mặc đồ mỏng, giữ vệ sinh sạch sẽ. Nếu ở gần khu ngoại thành, vùng nông thôn có thể tìm thấy cỏ mực (cỏ nhọ nồi) và rau diếp cá, giã nhỏ vắt nước để bệnh nhân uống hạ sốt sẽ hiệu quả.

Trong trường hợp bất khả kháng, các bác sĩ khuyến cáo chỉ nên sử dụng thuốc hạ sốt có thành phần paracetamol, tổng liều không quá 60 mg/kg cân nặng trong 24 giờ.

Tự ý truyền dịch

Truyền dịch không phải con đường ưu tiên để bù nước trong sốt xuất huyết.
Truyền dịch không phải con đường ưu tiên để bù nước trong sốt xuất huyết.

Đa phần mọi người đều nghĩ sốt cao kéo dài thì cơ thể mất nước trầm trọng nên truyền dịch là điều tất yếu. Đây là sai lầm phổ biến vì truyền dịch mà không được chọn loại thích hợp chẳng những bệnh không thuyên giảm mà còn xuất hiện những biến chứng nặng do thừa dịch như: phù phổi cấp, suy tim do quá tải tuần hoàn.

Thay vào đó nên bù nước cho bệnh nhân bằng đường uống với dung dịch Oresol, pha với đúng liều lượng và cho người bệnh uống. Có thể dùng thêm nước trái cây (nước dừa, nước cam, nước chanh) hoặc nước cháo loãng với muối. Chỉ truyền dịch khi có chỉ định của bác sĩ.

Cạo gió, cắt lể, dùng thuốc kháng sinh tùy tiện

Do hiểu biết hạn chế của một số người, khi thấy người thân bị nóng sốt đau đầu thì sẵn sàng cạo gió, cắt lể dù không rõ nguyên nhân gây ra là gì. Đối với bệnh nhân sốt xuất huyết, đây là hành động nguy hiểm đến tính mạng vì không những gây đau đớn mà còn làm nặng thêm tình trạng xuất huyết, thậm chí nhiễm trùng.

Chỉ định thuốc kháng sinh chỉ trong những trường hợp có nhiễm trùng.
Chỉ định thuốc kháng sinh chỉ trong những trường hợp có nhiễm trùng.

Trong khi đó, kháng sinh không được khuyến cáo sử dụng trong sốt xuất huyết trừ trường hợp có biểu hiện nhiễm trùng. Điều trị sốt xuất huyết quan trọng nhất là bù lượng nước mất và tăng cường hệ miễn dịch qua chế độ ăn uống.

Để biết chính xác nguyên nhân gây bệnh, cần làm các xét nghiệm công thức máu, tiểu cầu hằng ngày để bác sĩ có thể xác định có mắc bệnh hay không, nguyên nhân là gì hoặc đánh giá mức độ bệnh và có hướng điều trị, tránh tình trạng người bệnh phải vào viện quá muộn, gây những biến chứng đáng tiếc.