Charles Richard Drew là người đầu tiên trên thế giới nghiên cứu và thiết lập các ngân hàng máu. Sáng kiến này đã cứu sống vô số binh lính trong cuộc Chiến tranh Thế giới lần thứ hai và những bệnh nhân cần truyền máu trong các bệnh viện dân sự và quân sự.
Charles Richard Drew là một người Mỹ gốc Phi, sinh ra trong một gia đình nghèo tại Washington, D.C (Mỹ) vào ngày 3/6/1904. Khi còn là một cậu bé, Drew đã giúp gia đình kiếm thêm thu nhập bằng cách đi bán báo trong các khu phố gần nhà.
Năm 14 tuổi, Drew trúng tuyển vào trường Trung học Paul Laurence Dunbar. Cơ hội giáo dục cho người Mỹ gốc Phi bị hạn chế vào đầu thế kỷ 20, nhưng ngôi trường này là một ngoại lệ, và nó được ví như ngọn hải đăng hy vọng cho nhiều gia đình da đen. Ông nhận bằng cử nhân tại Đại học Amherst vào năm 1926, nơi ông đạt thành tích xuất sắc trong cả những môn thể thao và học thuật.
Charles Richard Drew (1904 – 1950). Ảnh: Health Matters.
Drew tiếp tục hoàn thành chương trình đào tạo Bác sĩ y khoa và Thạc sĩ phẫu thuật tại Trường Y thuộc Đại học McGill ở Montreal vào năm 1933. Ông bắt đầu quan tâm đến những nghiên cứu về máu trong quá trình làm việc với John Beattie, một giáo sư người Anh. Ông tiến hành các thử nghiệm về quá trình phân hủy của máu trong các điều kiện bảo quản và chống đông máu trong suốt hai năm làm việc với tư cách là bác sĩ nội trú tại Bệnh viện Đa khoa Montreal. Năm 1935, ông trở thành giảng viên của Đại học Y khoa Howard.
Vào thời điểm đó, các nhà khoa học đã biết rằng việc truyền máu từ động vật sang người tạo ra các phản ứng gây tử vong và hiện tượng ly giải các tế bào hồng cầu [các tế bào hồng cầu bị vỡ ra]. Năm 1901, Karl Landsteiner nhận thấy những phản ứng này cũng có thể xảy ra khi truyền máu không tương thích giữa người với người. Landsteiner đoạt giải Nobel Y học năm 1930 vì đã khám phá ra thành phần kháng nguyên của các nhóm máu.
Ngay cả khi xuất hiện công trình nghiên cứu của Landsteiner, tính thực tế của việc truyền máu vẫn là một trở ngại. Không có phương pháp tinh chế nào để tách riêng các thành phần của máu, vì vậy các bác sĩ chỉ có thể dùng máu toàn phần (whole blood) với thời hạn sử dụng trong một tuần. Các bệnh viện phải vật lộn để duy trì nguồn cung cấp máu cho bệnh nhân của họ, nhưng do máu dự trữ hết nhanh chóng nên họ thường không có sẵn loại máu thích hợp.
Năm 1938, Quỹ Rockefeller cấp học bổng nghiên cứu cho Drew, và ông đã trải qua hai năm làm việc tại Bệnh viện Trưởng lão Columbia thuộc Đại học Columbia ở New York. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ quản lý nguồn cung cấp máu cho bệnh viện, ông đã nỗ lực tìm giải pháp cho vấn đề lưu trữ và phân phối máu.
Năm 1939, Drew nhận thấy bằng cách tách riêng các tế bào hồng cầu ra khỏi huyết tương và làm đông lạnh chúng một cách riêng biệt, máu có thể được bảo quản và hoàn nguyên vào một ngày nào đó trong tương lai. Ngoài ra, ông đã tăng đáng kể thời hạn sử dụng của huyết tương lên hai tháng. Mặc dù huyết tương không có khả năng vận chuyển oxy như máu toàn phần, nhưng nó là một sản phẩm cực kỳ hữu ích để thay thế thể tích máu và các yếu tố giúp đông máu, đặc biệt là ở những nạn nhân bị chấn thương và mất máu do chiến tranh.
Drew công bố phát hiện của mình trong một bài báo với tựa đề “Ngân hàng máu”, đồng thời gọi gọi quá trình thu thập và lưu trữ máu là “ngân hàng”. Hệ thống lưu trữ huyết tương của ông đã tạo ra một cuộc cách mạng trong ngành y tế, giúp cứu sống vô số người trên toàn thế giới.
Drew bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Đại học Columbia năm 1940. Vào thời điểm đó, Thế chiến II vừa bắt đầu diễn ra và Mỹ không có ngân hàng máu quốc gia, nhưng có một số ít các tổ chức địa phương hoạt động trong lĩnh vực truyền máu, chẳng hạn như Hiệp hội Cải thiện Truyền máu New York. Văn phòng của Tổng Y sĩ Mỹ và Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia đã tiếp cận hiệp hội này để thiết lập một chương trình vận chuyển huyết tương bằng tàu thủy đến Anh – khi đó là đồng minh của Mỹ.
Lực lượng Không quân Đức của Adolf Hitler đã ném bom vào nước Anh gây ra những thiệt hại nặng nề, và nhu cầu về huyết tương cho các nạn nhân chiến tranh rất lớn. Drew được chọn làm giám đốc y tế của dự án “Máu cho nước Anh”, góp phần cứu sống rất nhiều binh lính bị thương trên chiến trường.
Drew đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, giám sát việc thu thập và phân phối hàng chục nghìn đơn vị huyết tương đến Anh. Sau khi dự án kết thúc, Drew được bổ nhiệm làm giám đốc Ngân hàng máu của Hội Chữ thập đỏ Mỹ kiêm trợ lý giám đốc Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia. Ông cũng phụ trách việc thu thập máu cho Quân đội Mỹ và Hải quân Mỹ.
Vào thời điểm đó, nước Mỹ vẫn còn những xung đột về chính sách chủng tộc. Khi Drew thành lập ngân hàng máu và đào tạo các nhân viên, ông lên tiếng phản đối chỉ thị của lực lượng vũ trang khi họ yêu cầu máu phải được phân tách tùy theo chủng tộc của người hiến tặng, để bệnh nhân da trắng không nhận máu từ người da đen. Drew biết điều này là sai và không có sự khác biệt về chủng tộc trong việc lưu trữ và truyền máu. Các binh lính và thủy thủ có thể sẽ chết nếu họ phải chờ máu “cùng chủng tộc”.
Để phản đối chính sách này, Drew đã từ chức ở Hội Chữ thập đỏ Mỹ vào năm 1942. Ông quay lại Đại học Y khoa Howard làm giảng viên và trở thành bác sĩ phẫu thuật tại Bệnh viện Freedman. Những đóng góp của ông với dự án huyết tương ở Anh và các ngân hàng máu của Hội Chữ thập đỏ đã cung cấp các mô hình mẫu quan trọng cho hệ thống ngân hàng máu đang hoạt động rộng rãi ngày nay.
Năm 1943, Drew là bác sĩ người Mỹ gốc Phi đầu tiên trở thành thẩm tra viên của Hội đồng Phẫu thuật Mỹ. Ông qua đời trong một vụ tai nạn xe hơi vào ngày 1/4/1950 khi chỉ mới 46 tuổi. Ông được trao nhiều giải thưởng danh giá trong suốt cuộc đời, trong đó bao gồm Huân chương Spingarn vào năm 1944. Ngay cả sau khi mất, ông vẫn được trao Huân chương Phục vụ Xuất sắc từ Hiệp hội Y khoa Quốc gia vào năm 1950. Năm 1981, Mỹ phát hành một con tem bưu chính in hình của ông để tưởng nhớ đến những đóng góp của ông trong việc khởi xướng ngân hàng máu, giúp cứu sống vô số người trên khắp thế giới.
Theo MIT, Thư viện Y học Quốc gia Mỹ