Chiều cao trung bình của người Nhật tăng nhanh đến nỗi việc thiết kế xe hơi, tàu, bàn học, quần áo… không thích ứng kịp. Chiều cao của người Nhật thậm chí còn được dự báo sẽ có thể vượt qua Mỹ - nước được coi là có chiều cao trung bình lớn nhất thế giới.
Tăng chiều cao ngoạn mục
Những chứng cứ khảo cổ và ghi chép còn lại cho thấy, trong 10.000 năm trước “cách mạng tăng chiều cao”, người Nhật chỉ cao thêm 10cm. Nhưng chỉ trong vòng 25 năm sau Chiến tranh thế giới thứ hai, chiều cao phụ nữ Nhật đã tăng 10,16cm.
Giữa những năm 1990, nữ sinh lớp 6 của Nhật đã cao hơn 16cm so với các bé gái cùng tuổi cuối thập kỷ 1940. Trong giai đoạn 1900-1968, chiều cao trung bình của các bé trai Nhật 14 tuổi đã tăng 12,57cm. Theo điều tra của Bộ Sức khỏe và Phúc lợi Nhật Bản, những năm 1960, trẻ em 14-15 tuổi cao hơn cả cha mẹ mình.
Nhà nhân chủng học Makiko Kouchi - người dẫn đầu nhóm nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu sinh học và công nghệ nhân sinh Nhật Bản - cho biết: “Trong 20-30 năm qua, chiều cao trung bình của người Nhật tăng 5cm so với thế hệ sinh năm 1940-1960. Thể trạng nam giới không thay đổi mấy; còn phụ nữ Nhật thì cân nặng vẫn thế, trong khi chiều cao cải thiện, khiến họ ngày càng trở nên gầy gò”.
Chiến lược trường kỳ
Từ năm 1946, Chính phủ Nhật Bản, các công ty, quỹ tư nhân đã tiến hành rất nhiều nghiên cứu về thể trạng của người Nhật. Các yếu tố chiều cao, cân nặng, độ nhạy cảm với bệnh ung thư, kinh nguyệt phụ nữ, độ tuổi dậy thì… đều được đo đạc một cách cẩn thận để từ đó đưa ra được chiến lược tổng thể tăng chiều cao cho toàn dân.
Bác sỹ Shikichi Nagamine - công tác ở Viện Dinh dưỡng quốc gia, Bộ Sức khỏe và Phúc lợi Nhật Bản trong những năm 60 của thế kỷ trước - cho rằng: “Việc người Nhật cao hơn người Mỹ có thể xảy ra trong tương lai không xa”.
Theo vị bác sỹ này, những thay đổi lớn trong chế độ dinh dưỡng của người Nhật - từ chế độ ăn gạo chuyển sang chế độ ăn của phương Tây - là nguyên nhân để có được kết quả này ở Nhật sau chiến tranh. Từ năm 1947, bữa trưa của học sinh tiểu học được phục vụ tại trường thường bao gồm sữa bột, bột mì và thực phẩm đóng hộp. Theo số liệu điều tra, năm 1966 mỗi người Nhật tiêu thụ khoảng 49,9mg canxi mỗi ngày so với chỉ 2mg vào năm 1949.
Ngoài sữa, người Nhật cũng tiêu thụ mạnh các sản phẩm từ sữa như phomát, bơ. Chính phủ và các cơ quan tư nhân đóng một vai trò quan trọng trong việc đưa sữa tới cơ quan, trường học, tới các máy bán hàng tự động ở trạm tàu hỏa.
Không những thế, nhà nước còn cung cấp các đơn thuốc vitamin, khoáng chất… được kê chỉ cho riêng bữa trưa để thúc đẩy chiều cao cho học sinh. Nhiều em nhỏ - do thể trạng của mình - được nghỉ ngơi theo chế độ khác với các bạn cùng lớp để gia tăng khả năng trao đổi chất. Nhà trường bố trí các thanh tra theo dõi chế độ dinh dưỡng của trẻ một cách nghiêm ngặt (xem chất lượng bữa ăn mà cha mẹ chuẩn bị cho các bé đi học). Họ cũng thường kê các thực đơn bữa ăn với lượng calo thích hợp để cung cấp cho cha mẹ. Kiến thức về chế độ dinh dưỡng liên tục được đề cập thông qua các phương tiện thông tin đại chúng và trong các cuộc họp phụ huynh.
Một vài nhà nghiên cứu cho rằng ngoài sữa, chế độ ăn uống nhiều đậu là nguyên nhân khiến chiều cao người Nhật được cải thiện. Trong đậu nành có nhiều loại protein, giúp kích thích tăng chiều cao. Khám phá này còn gây khá nhiều tranh cãi và cần được nghiên cứu sâu hơn.
Bên cạnh vấn đề ăn uống, người Nhật nói chung và phụ nữ nói riêng đã quan tâm nhiều tới các hoạt động vận động và thể thao như aerobics, các môn thể thao cần sức lực như tennis… Các chương trình giáo dục thể chất ở Nhật được đánh giá là rất nghiêm khắc.
Một nguyên nhân quan trọng khác giúp chiều cao của người Nhật tăng vọt là vấn đề sức khỏe được quan tâm và cải thiện rõ rệt. Cơ thể không nhiễm bệnh hấp thụ được tối đa lượng dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển toàn diện. Ngược lại khi bị bệnh, cơ thể sẽ tốn rất nhiều năng lượng để chống chọi, vì thế không còn nhiều năng lượng dành cho phát triển.
Phiền toái vì chiều cao tăng nhanh
Tốc độ tăng chiều cao nhanh chóng của người Nhật cũng gây ra khá nhiều phiền toái cho họ. “Tiêu chuẩn công nghiệp cũ của Nhật Bản đã không còn thích ứng với cuộc sống hiện tại của người dân. Một chiếc bàn nếu đúng tiêu chuẩn giờ chỉ hợp với thế hệ già. Chúng tôi đang cố “đo đạc” thế hệ trẻ để đưa ra lời khuyên với các nhà sản xuất” - Matsutaro Yoshioka - nhà nghiên cứu đồng thời là Giám đốc phát triển của Viện Nghiên cứu kỹ thuật nhân sinh vì chất lượng cuộc sống, nơi chuyên bán các dữ liệu về đặc điểm khách hàng cho các ngành công nghiệp - cho hay.
Nơi thể hiện rõ nhất sự chênh lệch này là ngành may mặc. Dường như các nhà máy sản xuất quần áo của Nhật vẫn chưa thích ứng được với sự phát triển chiều cao trung bình quá nhanh của người dân khi không có nhiều mặt hàng đáp ứng được yêu cầu.
Cùng với đó là một loạt vấn đề trong thiết kế nội thất, thiết kế xe hơi, tàu, bàn học. Nhiều người thậm chí đã gặp một số căn bệnh liên quan đến xương khớp do phải ngồi lâu ở tư thế không đúng với chiều cao của mình.