Hẳn ai cũng từng nghe thấy lời khuyên nên uống đủ 2 lít nước mỗi ngày. Thế nhưng, theo các nhà khoa học, như vậy có thể là quá nhiều với đa phần mọi người.

Một quan niệm phổ biến và thường xuất hiện trong các hướng dẫn sống khỏe là chúng ta nên uống nhiều nước. Thế nhưng, theo nghiên cứu mới và nghiêm ngặt nhất cho tới nay về tốc độ chuyển hóa nước, mỗi người lại cần một lượng nước khác nhau.

“Lời khuyên này không hề dựa trên cơ sở khoa học. Đa phần các nhà khoa học không chắc lời khuyên này bắt nguồn từ đâu,” Tiến sĩ Yosuke Yamada thuộc Viện Đổi mới Y sinh, Sức khỏe và Dinh dưỡng Quốc gia tại Nhật Bản, đồng thời là một trong những tác giả chính của nghiên cứu, cho biết.

Nghiên cứu trước đây trong lĩnh vực này phụ thuộc nhiều vào bảng câu hỏi chủ quan do một số lượng người tương đối nhỏ tham gia trả lời. Giờ đây, các nhà khoa học từ Đại học Aberdeen, Anh, đã hợp tác với hơn 90 nhà nghiên cứu trên khắp thế giới để đo tốc độ chuyển hóa nước (đây là chỉ số liên quan mật thiết tới nhu cầu nước) bằng cách sử dụng kỹ thuật đồng vị ổn định.

Nghiên cứu này đánh giá lượng nước hấp thụ của 5.604 người trong khoảng từ tám ngày tuổi đến 96 tuổi từ 23 quốc gia. Người tham gia uống nghiên cứu được cho uống một cốc nước, trong đó nguyên tử hydro được thay thế bằng một đồng vị ổn định của nó là deuteri - đồng vị này tồn tại tự nhiên trong cơ thể người và vô hại.

Tốc độ thải deuteri dư thừa phản ảnh tốc độ chuyển hóa của nước trong cơ thể, và nghiên cứu phát hiện tốc độ này rất khác nhau, tùy thuộc vào tuổi tác, giới tính, mức hoạt động của từng người và môi trường xung quanh. Người sống ở các vùng khí hậu nóng ẩm và vùng cao, cũng như vận động viên, phụ nữ đang mang thai và cho con bú có tốc độ chuyển hóa cao hơn, đồng nghĩa họ cần uống nhiều nước hơn. Dựa vào những yếu tố như trên, các tác giả đã nghĩ ra một phương trình để dự đoán lượng nước cần thiết.

Tiêu hao năng lượng là yếu tố lớn nhất trong tốc độ chuyển hóa nước. Con số cao nhất quan sát được ở nam giới độ tuổi 20 – 35 là trung bình 4,2 lít/ngày. Con số này giảm dần theo tuổi - ở độ tuổi 90, nam giới chuyển hóa trung bình 2,5 lít nước. Phụ nữ ở độ tuổi 20 - 40 có mức chuyển hóa trung bình 3,3 lít, giảm xuống còn 2,5 lít ở tuổi 90. Các vận động viên chuyển hóa nhiều hơn 1 lít nước so với người không phải vận động viên. Các em bé mới sinh có tốc độ chuyển hóa lớn nhất, thay thế khoảng 28% lượng nước trong cơ thể mỗi ngày.

Đáng lưu ý, nghiên cứu cho biết, người dân sống ở các nước đang phát triển có tốc độ chuyển hóa nước cao hơn. Điều này có thể do ở những nước đã phát triển, nhờ điều hòa không khí và hệ thống sưởi, người dân không phải tiếp xúc nhiều với những môi trường khắc nghiệt, làm tăng nhu cầu về nước.

Nên uống nước theo nhu cầu của cơ thể
Nên uống nước theo nhu cầu của cơ thể

Giáo sư John Speakman, đồng tác giả của nghiên cứu vừa được công bố trên trên tạp chí Science, giải thích: "Tốc độ chuyển hóa nước không tương đồng với nhu cầu uống nước. Ngay cả nam giới ở độ tuổi 20 có tốc độ chuyển hóa nước trung bình là 4,2 lít/ ngày, thì anh ta cũng không cần uống đủ 4,2 lít. Khoảng 15% trị số này phản ánh sự trao đổi nước bề mặt và nước được tạo ra từ quá trình trao đổi chất.”

Ngoài ra, nghiên cứu này còn chỉ ra một điểm mà các ước tính trước đây về lượng nước cần thiết không có, đó chính là hàm lượng nước trong thức ăn, chúng cũng góp một lượng đáng kể vào tổng lượng nước mà cơ thể hấp thụ.

“Hàm lượng nước trong thực phẩm rất khác nhau nên rất khó tính lượng nước uống cần thiết. Đối với một người Mỹ hay người châu Âu điển hình, có thể hơn một nửa của 3,6 lít nước tới từ thực phẩm, tức là họ chỉ cần uống khoảng 1,5 lít đến 1,8 lít/ngày. Còn với nữ giới ở độ tuổi 20, lượng nước có thể là 1,3 lít đến 1,4 lít/ ngày.”

Uống nhiều nước hơn mức cơ thể yêu cầu không gây hại cho sức khỏe, nhưng nước uống sạch không hề miễn phí. “Uống nhiều nước hơn mức cần thiết buộc chúng ta phải trả giá, ngay cả khi đó không phải chi phí y tế,” Giáo sư Speakman nói. “Nếu 40 triệu người trưởng thành ở Anh nghe theo các hướng dẫn như vậy và uống nhiều hơn mức cần nửa lít nước sạch mỗi ngày thì mỗi ngày chúng ta lãng phí 20 triệu lít nước.”



Nguồn: