Thử nghiệm lâm sàng toàn cầu đã kết luận rằng một vaccine có thể giúp bệnh nhân ung thư não ác tính sống thêm nhiều năm.

Bước đột phá này có thể mang lại lợi ích cho 2.500 người mỗi năm ở Anh được chẩn đoán mắc u nguyên bào thần kinh đệm, dạng ung thư não phổ biến nhất và cũng là một trong những dạng ung thư ác tính nhất. Những người mắc bệnh trung bình chỉ sống được 12-18 tháng sau khi chẩn đoán, ở một số bệnh nhân khoảng thời gian này thậm chí còn ngắn hơn.

Một bệnh nhân trong thử nghiệm, gồm tổng cộng 331 người, đã sống hơn 8 năm sau khi dùng vaccine có tên DCVax. Một bệnh nhân khác ở Anh, Nigel French, 53 tuổi, vẫn còn sống sau 7 năm mắc bệnh.

Hình minh họa. Nguồn: Getty Images

Giáo sư Keyoumars Ashkan, bác sĩ giải phẫu thần kinh tại bệnh viện King's College ở London, trưởng nhóm khu vực châu Âu của thử nghiệm, cho biết: “Kết quả thật đáng kinh ngạc. Kết quả cuối cùng của thử nghiệm giai đoạn III này mang lại hy vọng mới cho những bệnh nhân đang chiến đấu với u nguyên bào thần kinh đệm". Thử nghiệm được thực hiện đồng thời từ nhiều khu vực trên toàn cầu.

Theo Ashkan, vaccine này đã được chứng minh là giúp kéo dài tuổi thọ đặc biệt ở những bệnh nhân có tiên lượng xấu hơn, chẳng hạn như người già và những người không thể phẫu thuật.

Nếu được các cơ quan quản lý y tế chấp thuận, DCVax sẽ là phương pháp điều trị mới đầu tiên sau 17 năm cho những bệnh nhân u nguyên bào thần kinh đệm mới được chẩn đoán.

Theo thử nghiệm, bệnh nhân được viêm vaccine sống sót trung bình 19,3 tháng, so với 16,5 tháng ở bệnh nhân dùng giả dược.

Những người bị u nguyên bào thần kinh đệm tái phát sống được trung bình 13,2 tháng sau khi tiêm DCVax. Trong khi đó những bệnh nhân tái phát dùng giả dược chỉ sống được trung bình 7,8 tháng.

13% những người tiêm vaccine sống sót hơn 5 năm sau khi chẩn đoán. Tỷ lệ sống sót hơn 5 năm trong nhóm giả dược chỉ là 5,7%. Thử nghiệm được công bố trên tạp chí American Medical Association Oncology.

Vaccine này là một dạng liệu pháp miễn dịch, lập trình hệ thống miễn dịch của cơ thể được để truy tìm và tấn công khối u. DCVax là vaccine đầu tiên được phát triển để nhắm đến các khối u não.

“Vaccine hoạt động bằng cách kích thích hệ thống miễn dịch của chính bệnh nhân chiến đấu chống lại khối u của bệnh nhân”, Ashkan nói. “DCVax được cá nhân hóa, sản xuất bằng cách kết hợp các protein từ khối u của chính bệnh nhân với các tế bào bạch cầu của họ. Nhờ đó các tế bào bạch cầu nhận ra khối u".

“Sau khi tiêm, các tế bào bạch cầu đã được huấn luyện này sẽ giúp phần còn lại của hệ thống miễn dịch của bệnh nhân nhận ra khối u là thứ cần phải chống lại và tiêu diệt".

Tổ chức từ thiện Nghiên cứu khối u não cho biết: “Các bệnh nhân đã chờ đợi các lựa chọn lâm sàng mới quá lâu, và cần được tiếp cận phương pháp điều trị để kéo dài cuộc sống của họ".

“DCVax là liệu pháp mới đầu tiên được chứng minh là có hiệu quả trong điều trị u nguyên bào thần kinh đệm, kể từ hóa trị liệu temozolomide vào năm 2005. Cộng đồng khối u não hy vọng là nó có giá cả phải chăng”, Tiến sĩ Karen Noble, Giám đốc Y tế của tổ chức từ thiện này cho biết.

“Thời gian sống sót trung bình của bệnh nhân u nguyên bào thần kinh đệm rất ngắn – chỉ từ 12 đến 18 tháng. Những câu chuyện như của ông French rất hiếm nhưng đáng được hoan nghênh. Chúng tôi rất được khuyến khích bởi kết quả cuối cùng của thử nghiệm này”, cô nói thêm.

Trong số 331 người tham gia, 232 người tiêm DCVax và 99 người dùng giả dược. Tất cả 331 người đều được phẫu thuật, sau đó là xạ trị và hóa trị để loại bỏ càng nhiều khối u càng tốt, đây là phương pháp điều trị tiêu chuẩn cho u nguyên bào thần kinh đệm.

Tiến sĩ Henry Stennett, giám đốc thông tin nghiên cứu tại Cancer Research UK, cho biết: “Điều đặc biệt thú vị là vaccine có thể cải thiện kết quả cho những người thường không đáp ứng tốt với liệu pháp thông thường. Mặc dù nó vẫn cần phải thông qua sự chấp thuận nghiêm ngặt của cơ quan quản lý, nhưng nó có thể là một bước tiến lớn trong việc đánh bại loại u não này”.

Nguồn: https://www.theguardian.com/science/2022/nov/17/vaccine-shown-to-prolong-life-patients-aggressive-brain-cancer-trial-glioblastoma