Nghiên cứu biểu sinh cho thấy những đứa trẻ được sinh ra trong thời kỳ Đại suy thoái kinh tế của Mỹ (1929-1939) có dấu hiệu lão hóa nhanh hơn về sau này.

Công trình được công bố vào ngày 8/11 trên Proceedings of the National Academy of Sciences, và là bằng chứng mới nhất cho thấy tình trạng căng thẳng và đói ăn trong giai đoạn phát triển sớm nhất của con người có thể ảnh hưởng đến sức khỏe trong suốt nhiều thập kỷ.

Mặc dù đây không phải là nghiên cứu đầu tiên liên kết các sự kiện lịch sử lớn với những thay đổi biểu sinh, việc dấu hiệu biểu sinh thay đổi hiện diện trong dữ liệu thu được từ những người ở độ tuổi 70 và 80 vẫn "gây sững sờ", Patrick Allard, nhà biểu sinh học môi trường tại Đại học California, cho biết.

“Chắc chắn nghiên cứu này sẽ được đưa vào sách giáo khoa”, Allard nói.

Biểu tình đòi quyền lợi cho những người thất nghiệp trong cuộc Đại khủng hoảng năm 1931 trước Điện Capitol. Cuộc suy thoái tồi tệ nhất trong lịch sử nước Mỹ đã khiến khoảng 25% lực lượng lao động Mỹ thất nghiệp, có dấu hiệu lão hóa nhanh.

Trong giai đoạn phát triển sớm nhất, phôi thai là một tổ hợp các tiềm năng phát triển, chứa các hướng dẫn di truyền để xây dựng các thành phần phân tử của cơ thể. Theo thời gian, các tế bào thêm và loại bỏ các bộ điều chỉnh hóa học, gọi là dấu hiệu biểu sinh, trong DNA. Dấu hiệu này định hình cách các tế bào và cả hậu duệ của chúng thực hiện các chức năng. Các dấu hiệu biểu sinh bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố - bao gồm hormone, chế độ ăn uống và môi trường.

Những thay đổi trong thời kỳ phôi thai có thể chi phối sức khỏe con người suốt đời. Năm 2008, các nhà nghiên cứu phát hiện rằng những người được thụ thai trong nạn đói ở Hà Lan vào cuối Thế chiến thứ hai có các dấu hiệu biểu sinh khác so với các anh chị em được thụ thai ngoài khung thời gian này. Những đứa trẻ sinh ra trong thời kỳ đói kém có tỷ lệ mắc bệnh chuyển hóa cao hơn về sau này, khiến các nhà khoa học nghi ngờ rằng việc không được bảo vệ trước nguy cơ suy dinh dưỡng trong giai đoạn phát triển ban đầu đã định hình vĩnh viễn cách cơ thể chuyển hóa thức ăn.

Kể từ đó, một loạt các nghiên cứu trên động vật đã chỉ ra mối liên hệ giữa việc tiếp xúc sớm với các chất ô nhiễm, tình trạng căng thẳng và chế độ ăn uống kém với các thay đổi biểu sinh quyết định mọi thứ, từ màu tóc đến sự phát triển của não. Tuy nhiên rất ít nghiên cứu thành công trong việc tìm ra những xu hướng này ở người, Ainash Childebayeva, nhà nhân chủng học sinh học tại Viện Nhân chủng học Tiến hóa Max Plank, cho biết.

Nguyên nhân là không thể đem con người vào những tình huống thử nghiệm có hại như nạn đói để xem các thay đổi biểu sinh. Thay vào đó, các nhà khoa học phải nhìn lại các sự kiện lịch sử quan trọng để xác định những sự kiện đó có ảnh hưởng đến sinh học của con người khi lớn lên hay không. Cuộc Đại khủng hoảng là một cơ hội như vậy.

Phân tích các dấu hiệu lão hóa ở khoảng 800 người sinh ra trong những năm 1930, nhóm của Schmitz nhận thấy những người sinh ra ở các bang bị ảnh hưởng nặng nề nhất, nơi tỷ lệ thất nghiệp và giảm lương cao nhất, mang một kiểu dấu hiệu biểu sinh khiến các tế bào của họ trông già hơn tuổi. Tác động này giảm đi ở những người sinh ra ở những bang có tình hình kinh tế khả quan hơn trong những năm 1930.

Các tế bào có khả năng đã thay đổi các dấu hiệu biểu sinh trong thời thơ ấu hoặc sau này trong cuộc đời. Nhưng kết quả nghiên cứu cho thấy một loại nền tảng sinh học nào đó đã được thiết lập từ trước khi được sinh ra ở những đứa trẻ chào đời trong thời kỳ Đại suy thoái, và ảnh hưởng đến cách chúng già đi sau này về mặt di truyền.

Không rõ cụ thể yếu tố nào, chế độ ăn uống, căng thẳng hay những yếu tố khác, đã thúc đẩy quá trình lão hóa nhanh hơn, và cũng rất khó để xác định các cơ chế sinh học cụ thể đằng sau dấu hiệu biểu sinh, Childebayeva cho biết. Tuy nhiên, nghiên cứu đã làm nổi bật tầm quan trọng của sự phát triển trong giai đoạn sớm đối với sức khỏe và bệnh tật sau này, bà nói thêm.

Schmitz cho rằng những nghiên cứu như thế này làm sáng tỏ các vấn đề xã hội ngày nay. Chẳng hạn, đầu năm nay, Tòa án Tối cao Mỹ đã hủy bỏ quyền phá thai, nghĩa là giờ đây các bang có quyền thông qua luật cấm phá thai. Nhiều thập kỷ nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người không thể phá thai có nhiều khả năng gặp khó khăn về tài chính sau khi mang thai ngoài ý muốn hơn so với những người có thể phá thai.

“Sự bất bình đẳng về cấu trúc kinh tế xã hội khiến phụ nữ khó tiếp cận dịch vụ chăm sóc mà họ cần có thể gây ra những hậu quả lâu dài", Schmitz nói. Với sự bất bình đẳng xã hội đang gia tăng trên khắp thế giới, phát hiện này ủng hộ các chính sách nghỉ phép có lương của cha mẹ, các khoản phúc lợi và các chương trình khác giúp giảm bớt sự chênh lệch về sức khỏe trong tương lai.

Nguồn: