Nấm rơm là món ăn vị thuốc tốt có công dụng tiêu thực, hạ cholesterol, kháng ung thư, tốt cho nam giới bị liệt dương.

Tiến sĩ Võ Văn Chi, tác giả Từ điển Cây thuốc Việt Nam, cho biết nấm rơm còn gọi là nấm rạ, tên khoa học là Volvariella volvacea (Bull. ex Fr.) Singer, thuộc họ nấm rơm Pluteaceae. Toàn bộ nấm khi còn non nằm trong bao chung hình trứng. Sau đó, mũ nấm phá vỡ bao chung và lộ ra ngoài. Mũ nấm ban đầu có hình trứng, sau khi vươn ra có dạng núm hoặc bán cầu dẹp, màu nâu, nâu đen hoặc xám. Thịt nấm màu trắng, cuống nhẵn, gốc hơi phình dạng củ đặc thịt, ở gốc còn lại vết tích của bao chung.

nam-rom-1-1440-1428545189.jpg

Nấm rơm. Ảnh: nhahangamthuc.

Nấm rơm trong tự nhiên mọc đơn độc hay thành cụm, thường tìm thấy trên rơm rạ hoặc đất có nhiều mùn vào mùa hè nóng ẩm, nhiều nhất là tháng 7-8. Ở nước ta, nấm phân bố khắp Bắc chí Nam. Ngoài nấm mọc tự nhiên, người ta còn trồng quy mô lớn để cung cấp ra thị trường.

Nấm vị ngọt, tính hàn, có tác dụng tiêu thực, khử nhiệt, làm hạ cholesterol, kháng ung thư. Trong thành phần của nó còn chứa một loại protid dị chủng nên ăn thường xuyên sẽ giúp cơ thể nâng cao khả năng chống ung thư. Loài thực vật này còn được bào chế thành bột làm thuốc viên chữa chứng thiếu máu. Món nấm rơm xào thịt chim sẻ hoặc thịt ếch có tác dụng kích dục, thích hợp với nam giới bị liệt dương.

Tiến sĩ Võ Văn Chi phân tích thành phần có trong nấm rơm tươi tính theo g% gồm: Nước 90, protid 3,6, lipid 3,2, glucid 3,4, cellulose 1,1. Các chất khác tính theo mg% gồm: Calcium 28, phosphor 80, sắt 1,2, vitamin B1 0,12, vitamin C 1,2. Trong 100 g nấm khô có chứa 8,8 g axit nucleic. Tổng cộng nấm rơm chứa đến 17 loại axit amin, trong đó 8 loại cần thiết cho cơ thể con người.

Ở Việt Nam, nấm rơm được sử dụng phổ biến để chế biến những món ăn ngon chứ ít ai biết rõ công dụng của nó đối với sức khỏe. Đa phần bà nội trợ thích tìm mua loại nấm còn trong bọc, thường gọi là nấm trứng bởi thịt nấm lúc này dai và thơm hơn. Ở miền Nam, nấm được xào với thịt heo, bò, nấu canh, lẩu, kho với thịt heo, hầm với gà, nướng với lươn hoặc kho chay.

Lưu ý: Nấm rơm lành tính, song cũng như các loại rau củ khác, không nên ăn quá nhiều và liên tục. Có thể ăn cách nhật hoặc cách tuần, đồng thời theo dõi sự biến chuyển của cơ thể để bổ sung hoặc giảm bớt cho phù hợp.