Nhưng điều tuyệt vời mà chúng ta không thể bỏ qua là chùm ngây vừa là một kho dược liệu mà lại vừa là một kho thực phẩm tràn đầy dinh dưỡng với rất nhiều chất đạm, chất béo, chất khoáng và vitamin. Nhưng để chùm ngây có mặt trong bữa ăn gia đình thì khoảng cách cũng còn hơi xa vì giá cả khá đắt.
Kho dược liệu chùm ngây
Theo đông y, cây chùm ngây có tác dụng tốt đối với hệ thần kinh, có chứa alcaloid là moringin nên giúp chống đau nhức, chống viêm; rễ có tính kích thích, lưu chuyển máu, gây trung tiện, giúp dễ tiêu hóa, có lợi cho hệ tim mạch; cùng với trái, hạt và chất nhựa có tính cách làm giảm đau.
Do vậy trong y học cổ truyền đã sử dụng các bộ phận (lá, hoa, trái, vỏ rễ) như một dược liệu để hỗ trợ chữa bệnh. Tuy nhiên, phần giàu dinh dưỡng và dược tính nhất vẫn là lá. Lá chùm ngây có vị hơi đắng, tính mát, tác dụng giải nhiệt, tiêu độc, nhuận trường và bổ dưỡng. Mỗi ngày chỉ cần dùng 100 g lá tươi/người là đủ (hoặc 30 g dạng khô), rất tốt cho sức khỏe mà còn có thể giúp giảm mỡ máu, giảm cholesterol, ổn định huyết áp, bảo vệ gan, giảm suy nhược cơ thể, kích thích tiêu hóa và lợi tiểu…
Vỏ rễ là một bộ phận được sử dụng nhiều làm thuốc chữa thấp khớp mãn tính, đau thần kinh ngoại biên và các chứng đau do co thắt. Trái dùng hỗ trợ điều trị bệnh về gan. Chất nhựa dùng làm thuốc bôi ngoài trị hói tóc và viêm nhiễm ngoài da. Dầu từ hạt dùng đắp ngoài để trị phong thấp. Hoa có tác dụng chữa ho và ngoài ra còn có cả tính kích thích và kích dục. Liều dùng trung bình ở người lớn khoảng từ 50 - 100 g mỗi ngày dưới dạng sắc uống.
Còn theo báo cáo của Trung tâm thông tin sinh học quốc gia (Mỹ), chiết xuất từ lá chùm ngây có thể tiêu diệt 93% tế bào ung thư phổi ở người trong vòng 48 giờ, ức chế mạnh mẽ sự lây lan của các tế bào ác tính, không để chúng di căn và sau 7 ngày thì có thể xóa sổ hoàn toàn tế bào ung thư phổi. Không chỉ vậy, chiết xuất từ lá chùm ngây còn có thể giết chết tế bào ung thư vú, ung thư da, ung thư buồng trứng, ung thư ruột kết, ung thư gan… Thông tin này đã làm cho nhiều người hoang mang về giá trị của cây chùm ngây, vì nếu đúng như vậy thì đây quả là thần dược.
Tuy nhiên, do vì là thảo dược, không sợ tác dụng phụ, nên việc sử dụng chùm ngây làm dược liệu không có gì phải lo ngại, vì nếu không thì chùm ngây cũng còn là thực phẩm. Trong lá chùm ngây có chứa 46 loại chất chống oxy hóa, đặc biệt là vitamin C và vitamin A, vốn giúp trung hòa các tác động tàn phá của các gốc tự do. Hợp chất zeatin, với năng lực chống lão hóa mạnh mẽ, trong chùm ngây cao gấp vài ngàn lần so với bất kỳ một loại cây nào khác.
Thêm vào đó, chùm ngây cũng có hai loại hợp chất phòng ung thư và chặn đứng sự tăng trưởng của khối u, khiến cây được mệnh danh là loại cây phòng ung thư. Vì vậy, muốn phòng ngừa bệnh ung thư và các bệnh thoái hóa như thoái hóa điểm vàng và bệnh xơ nang, đừng bỏ qua loại thực phẩm cực tốt này.
Ảnh minh họa.
Sau đây là một số phương thuốc dân gian từ cây chùm ngây:
- Chữa cảm sốt, tiểu ít vàng, khát nước, táo bón: vỏ cây chùm ngây 12 g, rau má 20 g, củ sắn dây 20 g. Cho 600 ml nước, sắc còn 300 ml. Chia làm 3 lần uống trong ngày.
- Chữa ho, viêm họng: dùng hoa chùm ngây 30 g, rửa sạch, xắt nhỏ, trộn với mật ong, xào chín, ăn ngày 2 - 3 lần, hoặc dùng hoa chùm ngây, hoa sứ và hoa của cây nghệ, mỗi thứ 12 g, sắc uống liên tục vài ngày.
- Giảm acid uric và ngăn ngừa sỏi oxalat (sỏi thận): mỗi ngày dùng 100 g rễ chùm ngây tươi (hoặc 30 g khô) rửa sạch, nấu với 1 lít nước, nấu sôi 15 phút, để uống cả ngày.
- Điều trị chứng tăng cholesterol, tăng mỡ máu, tăng triglycerid máu: liều như trên.
- Để phòng các bệnh hay gặp ở người lớn tuổi (thấp khớp, tăng huyết áp, tiểu đường, rối loạn mỡ máu): có thể sử dụng chùm ngây dưới dạng món ăn đơn giản như: nấu canh, xào… hoặc dùng dưới dạng trà, nước sinh tố uống hàng ngày để phòng bệnh.
- Ổn định huyết áp, đường huyết, cơ thể và thần kinh suy nhược, bảo vệ gan bị suy do rượu: lấy 100 g lá non giã nát, trộn với 300 ml nước chín, lọc lấy nước xong trộn thêm 2 muỗng canh mật ong uống ngày 3 lần.
- Chữa yếu sinh lý và u xơ tuyến tiền liệt: lấy 100 g rễ chùm ngây tươi (hoặc 30 g khô), 80 g lá trinh nữ hoàng cung tươi, khoảng 3 lá (hoặc 20 g khô), nấu với 2 lít nước còn nửa lít, chia 3 lần uống trong ngày, liên tục từ 2 đến 3 tháng.
- Ngừa thai: lấy 2 nắm rễ tươi (khoảng 150 g) rửa sạch, băm nhỏ nấu với 2 lít nước còn nửa lít uống cả ngày. Đây là phương thuốc bí truyền của đồng bào sắc tộc thiểu số Raglay.
- Ngoài ra, chùm ngây còn có một số tác dụng bên ngoài như xay nhuyễn lá đắp lên da mặt để cải thiện làn da (mỗi lần không quá 10 phút), da sẽ trắng mịn và giảm nhăn rõ rệt. Hoặc dùng lá giã nát trộn với chút mật ong đắp lên mắt hay lên vết thương bị sưng hoặc bị nhọt để làm giảm sưng đau. Dùng vỏ của rễ, sắc lấy nước ngậm trị đau nhức răng. Trong rễ chùm ngây cũng có một số hợp chất phenol, alcaloid có tác dụng hoạt huyết, tiêu viêm, giảm đau, thường dùng điều trị bệnh viêm nhiễm, máu huyết ứ tắc.
Một nguồn dinh dưỡng khổng lồ đầy chất đạm, vitamin và khoáng chất
Theo các nghiên cứu thì lá cây chùm ngây được đánh giá là loại rau sạch, bởi vì lá không có độc tố và không bị nhiễm thuốc trừ sâu. Ngoài ra, trong lá còn chứa rất nhiều vitamin và khoáng chất: vitamin C nhiều hơn trái cam 7 lần; calci nhiều hơn 4 lần và protein gấp 2 lần so với sữa; vitamin A gấp 4 lần so với cà rốt; kali gấp 3 lần chuối.
Là loại rau có giá trị dinh dưỡng cao: trong 100 g lá chùm ngây non có 0,2 mg vitamin B1; 0,21 mg vitamin B2; 2,25 mg vitamin PP; từ 110 - 220 mg vitamin C; 6,35 g protein; 1,7 g lipid; 8 g glucid; 3,75 g chất khoáng, trong đó phosphor 50 mg; kali 216 mg; calci 123 mg; đồng, sắt, caroten... và nhiều hợp chất tự nhiên quý có tác dụng chữa bệnh. Nghiên cứu cho biết, một bà mẹ cho con bú chỉ cần mỗi ngày ăn 100 g lá chùm ngây là có đủ sữa.
Trong hạt chùm ngây có chứa các acid béo không no.
Hoa chùm ngây có nhiều mật ngọt và giàu dinh dưỡng, làm rau hoặc phơi khô dùng nấu lấy nước uống như một loại trà. Trái non được dùng xào, nấu canh, hầm xương, nấu xúp như đậu que và cho hương vị gần như măng tây. Khi già, hạt chùm ngây có thể rang ăn như đậu phộng. Rễ non của cây ăn sống hoặc làm gia vị, có mùi hăng nồng của mù tạc.
Đề phòng thiếu sinh tố và khoáng chất: mỗi ngày dùng 100 g lá chùm ngây non rửa sạch, giã nát, thêm 300 ml nước sạch, vắt lấy nước cốt (hoặc xay sinh tố) thêm 2 muỗng canh mật ong, trộn đều. Chia uống 3 lần mỗi ngày.
Hạt chùm ngây khô được dùng để ép lấy dầu. Chất dầu trong hạt có phẩm chất tốt, màu vàng tươi với một hương vị dễ chịu được so sánh chất lượng với dầu olive, để rất lâu không hỏng và được sử dụng làm dầu ăn.
Đặc biệt, hạt chùm ngây còn có khả năng lọc nước. Tại các vùng ô nhiễm nơi nông thôn, hạt chùm ngây thường được nghiền nát hòa vào nước, do có chứa một số hợp chất “đa điện giải” (polyelectrolytes) tự nhiên nên có tác dụng như một chất kết tủa làm nước mau lắng và làm trong nước, các chất cặn bẩn sẽ bị loại bỏ hoàn toàn. Nước này còn được sát khuẩn do tác dụng của chất dầu cay trong hạt, nên có thể dùng ngay làm nước uống. Phương pháp lọc nước này rất hữu dụng tại các vùng nông thôn của các nước nghèo và được áp dụng khá rộng rãi tại Ấn Độ.
Vô cùng tốt cho cơ thể
Do rất giàu các acid amin nên lá chùm ngây rất tốt cho cơ bắp, sụn, xương, da và máu. Chúng có chứa đến 18 acid amin, trong đó có 8 acid amin thiết yếu (isoleucin, leucin, lysin, methionin, phenylalanin, threonin, tryptophan, valin) nên loài cây này là một “kho” protein hoàn hảo và là một loại cây rất hiếm trong thế giới thực vật.
Trên thực tế, hàm lượng protein của cây chùm ngây nhiều ngang thịt, do đó nó rất có lợi cho những người ăn chay vì sẽ không lo bị thiếu protein, là chất đặc biệt cần thiết để xây dựng cơ bắp, sụn, xương, da và máu và trong quy trình sản xuất các enzym và hormon.
Thêm vào đó, calci là dưỡng chất cần thiết để xây dựng xương và răng, còn magnesium lại giúp cơ thể hấp thụ calci tốt hơn, trong khi đó cây chùm ngây lại có chứa nhiều cả hai dưỡng chất này nên nó đặc biệt tốt trong việc phòng ngừa bệnh loãng xương và các bệnh về xương khác.
Ngoài ra, chùm ngây còn chứa cytokinin (Moringa YSP) là một loại kích thích tố thực vật tạo ra phân chia tế bào, tăng trưởng, và làm chậm quá trình lão hóa của các tế bào. Các nghiên cứu lâm sàng đã cho thấy Moringa YSP sản xuất các đặc tính chống lão hóa ở người.
Nên ăn chùm ngây như thế nào?
Ngoài các đặc tính chữa bệnh của thân và rễ, thì lá là thực phẩm chính cho chúng ta. Có thể dùng lá non trộn dầu giấm như xà lách, có thể xay sinh tố với mật ong, nhưng ngon nhất vẫn là nấu canh. Khi nấu canh, lưu ý khi rửa phải để nguyên cành, đừng tút lá vì lá chùm ngây rất mỏng sẽ dính vào thau nước rất khó vớt. Nghĩa là nhúng nguyên cành vào thau nước vài cái cho sạch bụi bặm, vẩy cho ráo rồi mới tút lá. Canh thì phải nấu nước và gia vị trước, khi sôi thì cho lá chùm ngây vào, đảo đều một vài vòng là tắt bếp nhấc xuống ngay, không được để cho sôi lại sẽ mất hết dinh dưỡng. Canh chùm ngây hơi giống canh bồ ngót nhưng ngon hơn, béo hơn và có “vị” hơn.
Nhưng ngon hơn nữa là hấp sơ lá chùm ngây, gia vị muối, đường, ngũ vị, ớt, xong đem phơi một nắng rồi cho vào lò nướng sấy cho khô, bảo đảm ngon và thơm không thua gì khô bò!
Cũng lưu ý thêm là do rất giàu dưỡng chất các loại, dân gian hay gọi là món này “mát”, nên tốt hơn là không nên ăn chùm ngây vào buổi chiều vì sẽ phát sinh vấn đề “đụng chạm” đến bộ tiêu hóa.
Chùm ngây rất dễ trồng, chỉ cần cắt cành cắm xuống đất sâu từ 30 - 50 cm là bảo đảm cây sẽ phát triển nhanh cho chúng ta một loại rau sạch và tràn đầy dinh dưỡng.