Để tránh nhiễm độc từ thực phẩm và môi trường, nhiều người không tiếc tiền mua các bộ kit phát hiện độc tố, các loại máy móc khử chất độc trong thức ăn, nước, không khí… Vậy hiệu quả thực sự của chúng đến đâu?
Theo Phó Giáo sư Nguyễn Duy Thịnh - nguyên giảng viên Viện Công nghệ thực phẩm - Công nghệ sinh học (Đại học Bách khoa Hà Nội), thường những bộ kít thử hoặc máy thử phát hiện độc tố có giá khá cao nên không phải người dân nào cũng tiếp cận được.
Ngoài ra, nếu chỉ thử những sản phẩm có giá thành nhỏ như mớ rau, con cá mà mất cả chục nghìn, thậm chí trăm nghìn đồng thì sẽ ít người làm. Hơn nữa, không ít trong số các thiết bị này chỉ đưa ra đánh giá mang tính định tính (nghĩa là có chất độc thì cảnh báo mà không hiển thị rõ nồng độ bao nhiêu, có vượt ngưỡng cho phép không). Điều này khiến nhiều người rơi vào tình trạng không biết mua gì, ăn gì bởi thử cái gì cũng báo có chất độc.
Tiến sĩ Lê Thị Hồng Hảo - Phó Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm quốc gia về an toàn và vệ sinh thực phẩm - cho biết: “Thực tế là chưa có bất kỳ loại thiết bị, test nào tại Việt Nam có khả năng phát hiện dư lượng phân bón hay phát hiện được hết các độc tố trong thực phẩm. Bộ test của Bộ Công an cũng chỉ giúp phát hiện 12 chất cấm trong thực phẩm. Nó hoàn toàn mang tính chất cảnh báo và chỉ có giá trị sàng lọc”.
“Đến thời điểm hiện tại, hầu như không có cách nào để đảm bảo người dân mua được thực phẩm an toàn. Trách nhiệm này thuộc các cơ quan nhà nước. Họ cần tăng cường công tác quản lý, kiểm soát quá trình sản xuất và nhập khẩu hàng hoá để đảm bảo được chất lượng sản phẩm khi đưa ra tiêu dùng” - bà Hảo nói.
Về máy lọc không khí - đang được nhiều gia đình có người già, trẻ em lựa chọn, Phó Giáo sư Nguyễn Duy Thịnh cho biết: “Đây là một thiết bị cần thiết trong gia đình. Về nguyên tắc, máy có thể lọc được bụi, vi khuẩn, virus, nấm mốc. Tuy nhiên, hiệu quả thực sự đến đâu phụ thuộc rất nhiều vào loại màng lọc mà máy sử dụng. Máy có thể lọc được bụi, nhưng lọc vi khuẩn, virus thì khá khó vì màng lọc vi khuẩn phải có lỗ lọc vô cùng nhỏ. Trong khi đó, lỗ nhỏ quá thì không khí không chui qua được do trở lực lớn”.
Ông Thịnh cũng lưu ý, với máy lọc không khí sử dụng công nghệ ozone, tác dụng diệt khuẩn được tạo ra nhờ các phản ứng hoá học, chứ không phải bằng phương pháp lọc. Tuy nhiên, chỉ nên sử dụng máy tạo ozone trong một khoảng thời gian cố định (hết mùi hôi thì thôi).
“Lượng ozone thừa sinh ra có thể ảnh hưởng không tốt cho sức khoẻ. Ozone là chất ôxy hoá rất mạnh nên nếu chỉ cho thoảng qua để diệt vi sinh vật thì được, còn trong điều kiện không khí bình thường thì không nên lạm dụng. Máy lọc không khí sử dụng công nghệ ozone chỉ có thể diệt vi khuẩn khi chúng bám vào bụi, còn nếu chúng tự do trong không khí thì không lọc được trừ khi cường độ ozone rất lớn, mà điều này thì lại vô cùng hại sức khoẻ” – ông Thịnh phân tích.
Gần đây, sản phẩm máy lọc nước của một hãng tên tuổi gây xôn xao khi được công bố là có khả năng hỗ trợ điều trị và ngăn ngừa máu nhiễm mỡ, rằng theo một nghiên cứu tại Bệnh viện Tim Hà Nội, người dân sử dụng máy sau 1 tháng giảm 0,91-0,96% tỷ lệ mỡ máu. Rất nhiều chuyên gia y tế đã lên tiếng phản bác để tránh nhầm lẫn cho người tiêu dùng.
Trong đó, GS-TS Nguyễn Lân Việt - Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam - khẳng định, bệnh nhân rối loạn lipit máu mức nhẹ và vừa chỉ cần điều chỉnh chế độ sinh hoạt, ăn uống thì tự các thành phần lipit máu đã có thể trở lại mức bình thường, tức là thay đổi đến vài chục phần trăm.
Bởi thế, việc mỡ máu giảm chưa đến 1% sau khi dùng máy lọc nước hoàn toàn không có ý nghĩa khoa học và thực tiễn.
Vì vậy, các chuyên gia khuyên người tiêu dùng nên tỉnh táo trước các thông tin quảng cáo. Và dù các phương tiện kể trên thực sự có hiệu quả, nên biết rằng chúng chỉ có tác dụng hỗ trợ, không nên ỷ lại vào chúng.