Trước cảnh bị chất độc “bủa vây” từ mọi phía, nhiều người không biết làm gì hơn là “dựng hàng rào” bảo vệ mình, gia đình bằng đủ loại thiết bị được quảng cáo là giúp khử độc, sản xuất thực phẩm sạch, dù biết rằng cái thu được nhiều khi chỉ là cảm giác an toàn tạm thời.

Các thiết bị có tác dụng loại bỏ chất độc luôn được người dân quan tâm. Ảnh: Hoa Lê
Các thiết bị có tác dụng loại bỏ chất độc luôn được người dân quan tâm. Ảnh: Hoa Lê

Nỗi ám ảnh chất độc

Hằng ngày, cho dù không đọc được hàng loạt tin tức đáng sợ về thực phẩm bẩn, đồ dùng, đồ chơi… độc hại trên báo, người dân vẫn tự cảm nhận được mình đang bị “thập diện mai phục” bởi đủ thứ độc tố. Bước ra đường, họ phải hít bầu không khí đầy khói xe, khói công nghiệp, bụi rác. Vào quán ăn, họ đối diện với nguy cơ nhiễm ký sinh trùng, vi khuẩn, nấm và các chất gây ung thư từ thức ăn thiu, hỏng hoặc tẩm hóa chất bảo quản, hóa chất tạo màu, tạo vị, tạo mùi, được xào nấu bằng dầu bẩn, nước cống. Đến cơ quan, họ “hứng” độc tố tỏa ra từ máy móc, thiết bị, hóa chất, hay đơn giản là từ những tấm thảm cũ cả năm không giặt. Về nhà, họ lại chịu trận bởi hàng tá sản phẩm tẩy rửa, khói thuốc lá, khói độc từ quá trình chiên rán. Đó là chưa kể dù mua thực phẩm tươi sống thì hóa chất tạo nạc, chất kháng sinh, hormone kích thích tăng trưởng, thuốc trừ sâu… vẫn cứ hiện diện trong mâm cơm.

“Bất cứ đi đâu, ăn gì, uống gì, chơi gì, tôi cũng đều được cảnh báo là đang tự rước bệnh ung thư” - anh Phan Tâm, sống ở ngõ 296, đường Minh Khai, Hà Nội phàn nàn. “Có lẽ phải nhịn ăn, nhịn thở, “nhịn” ra đường thì mới thoát được, hoặc phải mặc giáp sắt như siêu nhân trong phim viễn tưởng ấy”.
Tâm lý của anh Tâm cũng là tâm lý chung của nhiều người dân thành thị hiện nay. Và nỗi sợ của họ không hề mang tính hoang tưởng khi các con số thống kê cho thấy bệnh ung thư đang tăng khủng khiếp. Theo công bố của Tổ chức Y tế thế giới vào năm 2014, Việt Nam đứng thứ 78 trên tổng số 172 quốc gia và vùng lãnh thổ về tỷ lệ người chết do bệnh này (110 ca/100.000 người). Mỗi năm, có thêm khoảng 150.000 người Việt Nam được phát hiện ung thư và 75.000 người mất mạng vì nó - nghĩa là mỗi ngày có 205 người chết do ung thư - cao gấp 7 lần số tử vong do tai nạn giao thông. Các nghiên cứu khoa học đã chứng minh, 80% số nguyên nhân gây bệnh ung thư đến từ môi trường bên ngoài.

Do không thể “mặc giáp sắt” để cách ly mình với môi trường, nhiều người dân tìm sự bảo vệ ở các loại máy móc. Vì thế, ngày càng xuất hiện nhiều sản phẩm nhấn mạnh vào các từ khóa “sạch”, “giải độc”, “khử độc”, “thanh lọc”… khi quảng bá.

Đầy nhà thiết bị sản xuất rau sạch

Nhà dù chật vẫn phải tìm chỗ đặt các thiết bị sản xuất thực phẩm sạch - đó là cảnh phổ biến ở các gia đình thành thị những năm gần đây - do tâm lý nghi ngờ độ an toàn của tất cả đồ ăn không do mình làm ra. Máy ủ giá, máy trồng rau mầm, hệ thống trồng rau thủy canh… đang được nhiều bà nội trợ sử dụng với mục đích không phải mua rau ngoài. Những thiết bị trồng rau có thể chỉ gọn gàng như chiếc bình lọc nước nhỏ, hay kích cỡ gần bằng chiếc bàn con, cũng có thể là một hệ thống to bằng tủ lạnh với nhiều ngăn, trông như một vườn rau. Cách sử dụng rất đơn giản, nhìn chung chỉ cần gieo hạt theo đúng hướng dẫn và thay nước hằng ngày.

Anh Nguyễn Hiểu Biết (bán đảo Linh Đàm, Hà Nội) đang trồng rau thủy canh trên ban công căn hộ chung cư tầng 20 của mình. Với chỉ hơn 2m2, anh Biết đang gieo trồng khoảng 160 giỏ rau, chủ yếu là rau họ cải, cung cấp đủ cho gia đình 4 người.

Theo anh Biết, với phương pháp thủy canh, anh không phải nhổ cỏ, tưới nước, rau lại sạch, hạn chế tối đa sâu bệnh. Cây trồng thủy canh cũng phát triển nhanh hơn bình thường, cách 3-4 ngày có thể thu hái một lần.

Một hệ thống sản xuất thực phẩm tại gia khác cũng đang được ưa chuộng là Aquaponics - tích hợp giữa trồng rau thủy canh và nuôi cá. Thay vì bổ sung phân bón và các hóa chất để trồng cây, Aquaponics sử dụng chất thải của cá, được vi sinh vật chuyển hóa thành dinh dưỡng cho cây. Còn cây trồng làm sạch nước, giúp cá phát triển tốt. Với hệ thống tuần hoàn khép kín hoàn hảo này, nước trong bể được tái sử dụng vô thời hạn, chỉ cần bổ sung phần bị bay hơi.

Chạy theo các sản phẩm “khử độc”

Có thực phẩm sạch để ăn cũng chỉ đỡ lo được một phần. Do chất độc còn nhiều con đường khác để tấn công cơ thể nên người dân tìm cách để cả nước uống, bầu không khí xung quanh họ cũng được lọc bỏ chất ô nhiễm, và nếu có “trót” nạp chất độc vào người thì phải có thiết bị để “trục xuất” nó ra. Nhu cầu bức thiết đó khiến các thiết bị dán nhãn “khử độc” làm mưa làm gió trên thị trường.

Thiết bị phổ biến nhất có lẽ là máy lọc nước. Ngoài chức năng lọc cặn bẩn, chất hữu cơ, kim loại nặng, nhiều loại máy được giới thiệu là có thể khử tất cả các độc tố, vi khuẩn, trao đổi ion có lợi cho sức khỏe… Người tiêu dùng khi mua máy lọc nước thường băn khoăn lựa chọn giữa công nghệ nano và RO. Theo các chuyên gia, hai công nghệ này đều tốt, nhưng sản phẩm có đảm bảo hay không lại do cái tâm của nhà sản xuất. Sản xuất chuyên nghiệp thì phải có xưởng làm lõi gốm, xưởng làm lõi than hoạt tính, các khung nhựa phải có xuất xứ rõ ràng.

a

Máy lọc không khí cũng là sản phẩm được người tiêu dùng quan tâm, dù không thực sự hiểu nó “khử độc” kiểu gì. Thực ra, về nguyên lý, máy hoạt động dựa trên nguyên tắc phát ra ion âm. Những ion âm này hòa vào không khí, bám vào các ion dương có hại như bụi, ẩm, mốc, khói thuốc lá hay mầm bệnh rồi được hút vào máy.

Với nhiều bà nội trợ, chỉ có máy lọc nước và máy lọc không khí là chưa đủ. Chị Phương Thị Thu Giang - sống tại khu đô thị Timescity, Hà Nội - chia sẻ: “Giờ động đến cái gì cũng sợ, nên tôi cứ phải mua đủ thứ máy khử độc rau quả, máy sục ozone… cho chắc. Tôi cũng đang tìm hiểu mặt nạ lọc bụi, chống độc vì ra đường nhìn bụi như sương mà thấy sợ”. Sản phẩm chị Thu Giang nói đến thực ra là loại mặt nạ chuyên dùng trong bảo hộ lao động. Nhưng gần đây, vì quá sợ ô nhiễm nên một số chị em mua về dùng trong đời thường.

Ngoài ra, trên thị trường còn có các loại máy ngâm chân khử độc, máy massage khử độc, được quảng cáo là có thể “trục xuất” các độc tố đã xâm nhập cơ thể. “Tôi mua mấy cái, to nhỏ, đắt rẻ đủ cả” - chị Phạm Thị Hoa, sống ở Xuân Đỉnh, Từ Liêm, Hà Nội chia sẻ. Gần đây chị mới biết, từ lâu các chuyên gia đã cảnh báo những thiết bị kiểu này không có tác dụng khử độc.

Chị Hoa - cũng như nhiều người khác - đang “sưu tầm” thiết bị khử độc, luôn biết rằng những thứ họ mua về cho dù có tác dụng thần kỳ giống quảng cáo thì cũng chỉ như vài mảnh nhỏ có tác dụng chống đạn trên bộ quần áo, không đủ che chắn toàn bộ cơ thể. Vì vậy, một khi môi trường vẫn ô nhiễm, nguồn thực phẩm vẫn không an toàn, các sản phẩm đó cũng chỉ giảm được một phần nguy cơ và đem lại cảm giác an tâm tạm thời mà thôi.