GS-BS Nguyễn Chấn Hùng, chuyên gia hàng đầu về bệnh ung bướu ở Việt Nam, trao đổi một số vấn đề trong điều trị bệnh ung thư.
|
GS.BS Nguyễn Chấn Hùng, chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, trưởng bộ môn ung bướu ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch - Ảnh: Thanh Tùng |
Chưa có bệnh nhân nào sử dụng các biện pháp tâm linh như thiền định hay thờ cúng thần thánh mà hết bệnh cả |
Ông nói một số quảng cáo về chẩn đoán ung thư hơi quá đã làm nhiều người mất ăn mất ngủ.
* PGS.TS Nguyễn Hoài Nam:
* Thưa GS, hiện nay việc chẩn đoán và điều trị cho bệnh nhân ung thư có nhiều hiệu quả hơn trước đây. Nguyên nhân nào mà có những sự tiến bộ này?
GS Nguyễn Chấn Hùng:
- Về bản chất của bệnh ung thư thì từ khi có loài người trên trái đất này vẫn vậy. Nhưng ngày nay nhờ sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, đặc biệt là kỹ thuật y học, mà sự hiểu biết về bệnh ung thư ngày càng rõ hơn.
Nếu như trước đây vài chục năm mà nói đến chuyện virút gây ung thư thì người ta cho đó là chuyện hoang đường, không tưởng. Nhưng bây giờ các nhà nghiên cứu đã chứng minh được có tới 20% trường hợp mắc bệnh ung thư là do virút như virút gây viêm gan, virút gây ung thư cổ tử cung...
Với những phương tiện chẩn đoán hiện đại như nội soi, chụp CT scan, MRI, PET-CT, kính hiển vi điện tử... người thầy thuốc như được trang bị đôi mắt thần, họ thấy rõ khối u, thấy rõ bản chất lành hay ác tính của khối u ngay khi khối u còn rất nhỏ không có biểu hiện ra ngoài nào cả.
Thêm vào đó là các phương pháp điều trị hiện đại bằng phẫu thuật, bằng xạ trị trúng đích, hóa trị liệu và các loại thuốc nhắm trúng đích.
Người thầy thuốc được trang bị những vũ khí khá mạnh trong cuộc chiến không mệt mỏi giữa con người với bệnh ung thư và trong tương lai, cuộc chiến này phần thắng sẽ nghiêng về bệnh nhân và thầy thuốc.
* Có bệnh thì vái tứ phương. Nhiều người mắc bệnh ung thư đã sử dụng cả các biện pháp tâm linh để điều trị bệnh. Vậy theo ý kiến GS, việc này có nên làm không?
- Đúng là từ xưa đến nay tâm lý của mọi người, nhất là người Việt Nam, khi mắc bệnh nặng, bệnh nan y đều đi vái tứ phương, kể cả việc sử dụng các biện pháp tâm linh để chữa bệnh. Tuy nhiên theo tôi được biết, từ trước đến giờ chưa có bệnh nhân nào sử dụng các biện pháp tâm linh như thiền định hay thờ cúng thần thánh mà hết bệnh cả.
Có một điều tôi rất quan tâm đó là việc bệnh nhân khi điều trị phải có một tâm hồn yêu đời, một niềm tin và hi vọng vững chắc, tin tưởng vào tay nghề của bác sĩ, vào sự giúp đỡ của người thân kèm theo việc điều trị bằng các phương pháp của y học hiện đại thì kết quả điều trị rất tốt.
Đừng vì những vấn đề tâm linh mà bỏ mất thời gian vàng trong điều trị. Bên tim mạch, nếu bệnh nhân để nhồi máu cơ tim quá sáu giờ vàng mà không nong mạch vành, không phẫu thuật hay không bơm thuốc làm tan cục máu đông thì khả năng tử vong rất cao. Bên ung bướu cũng vậy, nếu không điều trị kịp thời, mất thời gian vàng vì những việc không cần thiết thì kết quả rất xấu.
* Như vậy theo GS, vấn đề mấu chốt trong điều trị bệnh ung thư giai đoạn hiện nay là gì?
- Chúng tôi luôn nhấn mạnh đến vai trò của việc khám sức khỏe định kỳ và tầm soát sớm bệnh ung thư, nhất là những người trên 40 tuổi, có nhiều yếu tố nguy cơ như viêm gan do virút, gia đình có người mắc bệnh ung thư...
Việc khám định kỳ này phải là khám tổng quát chứ không chỉ dựa vào một số xét nghiệm máu hay chụp CT như một số cơ sở y tế quảng cáo. Việc quảng cáo hơi quá này làm cho nhiều người lo sợ đến mất ăn mất ngủ.
Việc phát hiện bệnh sớm, điều trị đúng đừng để mất thời gian vàng, tuân thủ tốt quy trình điều trị là những điểm rất quan trọng. Ung thư biết sớm trị lành mà.
Khám sức khỏe định kỳ 6 tháng một lần
TS.BS Đặng Huy Quốc Thịnh, phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, cho biết muốn phát hiện sớm bệnh ung thư, những người bình thường chỉ cần khám sức khỏe định kỳ sáu tháng một lần.
Khi kết quả khám sức khỏe định kỳ có chỉ số nào bất thường, nghi ngờ có thể mắc bệnh ung thư, bác sĩ sẽ tư vấn cho người bệnh đi làm các xét nghiệm chuyên sâu hơn như nội soi, chụp MRI, CT-scan, sau đó nếu cần sẽ sinh thiết để được chẩn đoán có mắc bệnh ung thư hay không.
Hiện nay có một số cơ sở y tế quảng cáo chẩn đoán ung thư sớm dựa vào một số xét nghiệm máu hay chụp CT-scan toàn thân, thậm chí cả chụp PET-CT. Tuy nhiên, theo bác sĩ Quốc Thịnh, điều này không cần thiết, tốn kém, thậm chí còn gây hại cho cơ thể.
Ví dụ bác sĩ sẽ chỉ định chụp PET-CT một khi người bệnh đã được xác định mắc bệnh ung thư, nhằm đánh giá giai đoạn hoặc đáp ứng sau điều trị. Khi chụp PET-CT người bệnh sẽ được tiêm một lượng phóng xạ vào cơ thể nên sẽ có sự ảnh hưởng nhất định đến sức khỏe.
Với những người có nguy cơ ung thư cao, như người thân trong gia đình mắc một số loại ung thư như vú, đại - trực tràng, ngoài kiểm tra sức khỏe thông thường, bác sĩ sẽ chỉ định thêm các xét nghiệm phù hợp để kiểm tra kỹ hơn. |