Việc tiếp xúc với khói thuốc lá thụ động khi còn trong bụng mẹ có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh chàm và các bệnh viêm da khác ở trẻ em lên 50%.
Trước đây, giới khoa học phát hiện những đứa trẻ tiếp xúc với khói thuốc thụ động trước khi ra đời có nguy cơ mắc bệnh hen suyễn cao hơn. Trong nghiên cứu được công bố trên tạp chí Pediatrics, bác sĩ Soo-Jong Hong tại Đại học Ulsan (Hàn Quốc) muốn tìm hiểu xem thuốc lá có mối liên hệ tương tự với bệnh chàm (eczema) hay không.
Bệnh chàm và hen suyễn đều là biểu hiện của tình trạng dị ứng, tương tự như dị ứng phấn hoa hoặc dị ứng thức ăn. Trong khi chúng ta chưa biết nhiều về cơ chế gây ra bệnh chàm, các chuyên gia cho rằng yếu tố di truyền ảnh hưởng một phần đến căn bệnh này. Do đó, nguy cơ mắc bệnh chàm của một đứa trẻ có thể được xác định trong giai đoạn phát triển rất sớm.
Để tiến hành nghiên cứu, Jong Hong và các cộng sự đã phân tích mẫu máu của 3.639 trẻ em từ bảy đến tám tuổi. Mức độ tiếp xúc với khói thuốc lá trước khi chào đời và tỷ lệ mắc bệnh chàm của chúng được đánh giá thông qua bảng câu hỏi.
Họ phát hiện những đứa trẻ mang biến thể gene chịu trách nhiệm mã hóa các protein TNF-alpha và TLR-4 có nguy cơ phát triển bệnh chàm cao hơn nếu chúng tiếp xúc với khói thuốc trong bụng mẹ. TNF-alpha và TLR4 là hai protein quan trọng tham gia vào quá trình sửa chữa các tế bào miễn dịch và kích hoạt hệ thống miễn dịch.
Trước đây, các biến thể gene này đều được xác định có liên quan đến tình trạng viêm, chẳng hạn như hen suyễn, bệnh Crohn và viêm khớp dạng thấp. “Việc mang một trong những biến thể gen nói trên và tiếp xúc gián tiếp với khói thuốc có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh chàm ở trẻ nhỏ”, Jong Hong nhận định.
“Nhiều trẻ em tiếp xúc với khói thuốc cả trong bụng mẹ và sau khi được sinh ra. Có tới 60% các bà mẹ bỏ thuốc lá khi mang thai quay lại hút thuốc trong vòng 6 tháng sau sinh, và 80 – 90% tái nghiện dưới 12 tháng sau khi sinh”, Jong Hong cho biết.
Trong một nghiên cứu khác được thực hiện trên 4.089 trẻ em, các nhà khoa học tại Viện Karolinska ở Stockholm, Thụy Điển cũng cho thấy nguy cơ trẻ mắc các bệnh dị ứng như hen suyễn và viêm mũi dị ứng do tiếp xúc thụ động với khói thuốc trong bụng mẹ hoặc thời kỳ thơ ấu. “Chúng tôi phát hiện mức độ ảnh hưởng của việc tiếp xúc với khói thuốc thụ động đối với bệnh hen suyễn và viêm mũi dị ứng nghiêm trọng nhất ở trẻ dưới 4 tuổi”, nhóm nghiên cứu kết luận.
Thêm vào đó, thói quen hút thuốc khi mang bầu có thể làm gia tăng nguy cơ sảy thai tự nhiên, sinh non, mang thai ngoài tử cung, hoặc hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS).
“Để tránh nguy hiểm cho em bé, người mẹ cần bỏ thuốc trong vài tháng hoặc thậm chí nhiều năm trước khi mang thai. Bởi vì thói quen hút thuốc sẽ gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng trứng của người mẹ, không có lợi cho quá trình thụ tinh”, Hui Chen, nhà nghiên cứu tại Đại học Công nghệ Sydney (Australia), khuyến cáo.