Các nhà khoa học sẽ lập bản đồ ca bệnh ở người và điều tra vi khuẩn gây bệnh Whitmore ngoài môi trường thông qua xem xét các ca bệnh trong các bệnh viện lớn tại 6 tỉnh thành Việt Nam

TS Lê Văn Dũng, Phó Giám đốc BVĐK tỉnh Hà Tĩnh phát biểu tại hội thảo
TS Lê Văn Dũng, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Sở Y tế tỉnh Hà Tĩnh

Chiều 23/12, Viện Vi sinh vật và Công nghệ sinh học, Đại học Quốc gia Hà Nội, đã phối hợp với bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh tổ chức Hội thảo khởi động dự án và tập huấn xét nghiệm melioidosis.

Bệnh Melioidosis (Whitmore) là một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn gram âm Burkholderia pseudomallei gây ra. Xét về bản chất, vi khuẩn gây bệnh Melioidosis sống ở trong đất và lây nhiễm sang người qua con đường tiếp xúc trực tiếp các vết trầy xước da với đất nhiễm khuẩn. Khi đi vào cơ thể, vi khuẩn có thể tấn công các bộ phận của cơ thể (không loại trừ một bộ phận, một cơ quan cơ thể nào), phổ biến nhất là phổi, dẫn đến gây áp xe, viên nhiễm các cơ quan nội tạng. Hiện tại việc xét nghiệm phát hiện bệnh đang còn gặp những khó khăn nhất định, đáng chú ý bệnh này vẫn chưa có vaccine đặc trị

Bệnh có thể dẫn đến tỷ lệ tử vong cao và tử vong nhanh nếu bệnh nhân không được chẩn đoán sớm, chẩn đoán đúng và điều trị kháng sinh theo đúng phác đồ khuyến cáo. Điều đáng nói, Việt Nam chính là nơi đầu tiên trên thế giới phát hiện ra bệnh Melioidosis, do đó nó còn có tên gọi là “Vietnamese time-bomb” - “quả bom hẹn giờ của Việt Nam”. Ca nhiễm bệnh đầu tiên được phát hiện vào năm 1925 tại Sài Gòn, sau đó Hà Nội năm 1928 và Huế năm 1936.

Với mong muốn quản lý hiệu quả căn bệnh này tại Việt Nam, Viện Vi sinh vật và Công nghệ sinh học (ĐH Quốc gia Hà Nội) và Đại học Florida (Mỹ) đã hợp tác triển khai dự án “Nâng cao năng lực giám sát và thiết lập bản đồ phân bố melioidosis trên người và động vật ở Việt Nam”. Dự án do Cơ quan giảm thiểu đe dọa Quốc phòng Hoa Kỳ (DTRA) tài trợ, dự kiến thực hiện trong 5 năm (2022-2027) với tổng kinh phí 32 tỷ cho phía Việt Nam.

Phía Việt Nam, Viện Viện Vi sinh vật và Công nghệ sinh học là đơn vị chủ trì dự án và phụ trách điều tra vi khuẩn B. pseudomallei ngoài môi trường, điều tra ca bệnh melioidosis trong bệnh viện dân sự thông qua kết hợp với các bệnh viện (Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định và Bệnh viện Đa khoa khu vực Tây Nguyên).

Viện cũng ký hợp đồng phụ với Học viện Quân y cho nghiên cứu điều tra melioidosis trong hệ thống bệnh viện quân sự.

h
Dự án sẽ thực hiện nhiều hoạt động nâng cao năng lực chẩn đoán melioidosis tại 6 bệnh viện. Ảnh: VNU Media

Theo Giám đốc dự án TS. Trịnh Thành Trung (Viện trưởng Viện Vi sinh vật và Công nghệ Sinh học), dự án sẽ thực hiện nhiều hoạt động nâng cao năng lực chẩn đoán melioidosis tại 6 bệnh viện thông qua việc phối hợp cung cấp sinh phẩm hóa chất để sàng lọc vi khuẩn Burkholderia pseudomallei từ bệnh nhân có biểu hiện nghi ngờ nhiễm melioidosis, giúp tăng cường công tác xét nghiệm theo quy trình chọn lọc, nhằm hạn chế bỏ sót ca bệnh.

Nhóm nghiên cứu cũng sẽ nâng cao cảnh giác/phản xạ nghi ngờ ca bệnh melioidosis của bác sĩ lâm sàng thông qua các cuộc họp trao đổi chuyên môn; điều tra sự có mặt của vi khuẩn ngoài môi trường, kết hợp báo các ca bệnh lâm sàng và ca động vật nhiễm bệnh, tạo bản đồ dịch tễ bệnh melioidosis ở 6 tỉnh tại Việt Nam.

Cũng trong Hội thảo, các nhà khoa học đã chia sẻ một số khó khăn trong việc chẩn đoán, bởi căn bệnh này có nhiều triệu chứng giống với các bệnh lý khác, nhất là bệnh Lao. Bên cạnh đó, dù xét nghiệm máu là một phương án hữu ích để phát hiện sớm các trường hợp cấp tính của bệnh Whitmore, nhưng khi cho ra kết quả âm tính thì các bác sĩ vẫn chưa thể hoàn toàn loại trừ khả năng bệnh nhân mắc bệnh này.

Nguồn: