Theo một nghiên cứu mới, ô nhiễm không khí làm tăng nguy cơ xuất hiện cơn hen suyễn ở trẻ em và thanh thiếu niên thành thị.

Theo những phát hiện được công bố trực tuyến trên tạp chí The Lancet Planetary Health, ngay cả mức độ vừa phải của ozone và các hạt mịn trong không khí - hai trong số các thành phần của khói bụi - cũng đủ làm tăng nguy cơ mắc bệnh hen suyễn ở trẻ em.

Hình minh họa. Nguồn: AP

Tiến sĩ Hugh Auchincloss - quyền giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ (NIAID) - cho biết: “Mối liên hệ chặt chẽ giữa các chất gây ô nhiễm không khí cụ thể và các cơn hen suyễn không do virus mà nghiên cứu này chứng minh tiếp tục bổ sung bằng chứng cho thấy việc giảm ô nhiễm không khí sẽ giúp cải thiện sức khỏe con người”.

Theo trưởng nhóm nghiên cứu, Tiến sĩ Matthew Altman - phó giáo sư khoa y tại Trường Y thuộc Đại học Washington, Seattle, nghiên cứu đã liên kết hai chất ô nhiễm với những thay đổi rõ rệt trong đường thở của trẻ em, đây là con đường có thể gây ra cơn hen suyễn.

Trong cơn hen suyễn, tình trạng viêm làm cho niêm mạc đường thở sưng lên, các cơ xung quanh đường thở co lại và chất nhầy tràn vào đường dẫn khí. Tất cả những tình trạng này đều thu hẹp đáng kể không gian mà không khí đi vào và ra khỏi phổi.

Nghiên cứu mới bao gồm 208 trẻ em từ 6 đến 17 tuổi mắc bệnh hen suyễn ở các khu dân cư có thu nhập thấp tại chín thành phố khác nhau của Hoa Kỳ. Các nhà nghiên cứu sau đó đã xác nhận phát hiện của họ ở nhóm thứ hai gồm 189 người từ 6 đến 20 tuổi sống ở khu vực thu nhập thấp ở bốn thành phố khác.

Nhóm nghiên cứu theo dõi chất lượng không khí hằng ngày và so sánh nó với các báo cáo về cơn hen suyễn ở trẻ em. Họ cũng kiểm tra để đảm bảo rằng trẻ em không bị nhiễm các loại virus đường hô hấp có thể gây ra hen suyễn.

Kết quả, họ phát hiện ra các cơn hen suyễn không do virus xảy ra ở gần 30% trẻ em. Tỷ lệ này gấp 2 đến 3 lần so với trẻ em không sống ở khu vực thành thị.

Theo nhóm nghiên cứu, các yếu tố không khí liên quan nhiều nhất đến hen suyễn là nồng độ hạt mịn và ozone trong không khí ngoài trời tại mỗi địa phương.

Bằng cách phân tích các mẫu tế bào mũi thu được từ trẻ em, nhóm nghiên cứu phát hiện thêm mức độ cao của các chất ô nhiễm đó ảnh hưởng đến sự biểu hiện của các gen có vai trò gây viêm đường thở.

Họ cho rằng những kết quả này có thể dẫn đến các phương pháp điều trị chống lại tác hại của ô nhiễm không khí đối với đường thở của con người.

Nghiên cứu mới cũng chỉ ra rằng những người mắc bệnh hen suyễn có thể được hưởng lợi từ việc mang theo máy theo dõi chất lượng không khí cá nhân, cảnh báo họ khi không khí xuất hiện các yếu tố góp phần gây ra các cơn hen suyễn.

Nguồn: