Bên cạnh nhiều lợi ích, việc tầm soát ung thư cũng có thể gây ra những hệ lụy nhất định.
3 lưu ý và 5 tiêu chí
Tối 12/5, tại
MedTalks trực tuyến số 4 với chủ đề “Tầm soát ung thư”, TS.BS Phạm Nguyên Quý (Khoa Ung thư nội, Bệnh viện Trung ương Kyoto Miniren) cho biết, theo
các số liệu thống kê được Globocan công bố năm 2020, những năm gần đây, mỗi năm Việt Nam có thêm khoảng 182.500 ca mới mới về ung thư, trong đó gần 121.000 bệnh nhân tử vong do ung thư. Những căn bệnh ung thư có tỷ lệ mắc nhiều nhất là ung thư gan, phổi, vú, dạ dày và đại trực tràng - chiếm tới 59,5% toàn bộ số ca ung thư được phát hiện. Đây cũng là các loại ung thư được các bác sĩ tập trung hướng dẫn tầm soát sớm trong chương trình.
Theo BS Quý, việc phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm (giai đoạn 1) có thể giúp hơn 90% bệnh nhân kéo dài thời gian sống từ 5 năm trở lên, đồng thời giảm bớt gánh nặng cho cả bệnh nhân lẫn hệ thống y tế do quá trình chữa trị sẽ ít phức tạp và ít tốn kém hơn. Trong khi đó, nếu phát hiện bệnh muộn, ở giai đoạn 4 chẳng hạn, thì cơ hội sống vượt quá 5 năm chỉ còn 5%-7% ở bệnh nhân ung thư phổi, dạ dày; từ 22-39% ở bệnh nhân ung thư đại tràng, vú, cổ tử cung.
Tuy nhiên, BS Quý lưu ý, bên cạnh những lợi ích, việc tầm soát ung thư cũng có những hệ lụy, chẳng hạn, nó có thể dẫn đến những xét nghiệm xâm lấn không cần thiết. Bên cạnh đó, việc phải thực hiện định kỳ 1-2 năm/lần có thể gây tốn kém tài chính; và trong một số trường hợp khi kết quả không rõ ràng thì có thể gây ra lo lắng quá mức, ảnh hưởng đến cuộc sống của người thực hiện tầm soát.
Vì vậy, BS Quý nhấn mạnh: tầm soát ung thư cần lưu ý 3 điểm sau: thứ nhất, đó là loại ung thư nào; thứ hai, đối tượng người đi tầm soát là ai; thứ ba, phương pháp/lịch trình tầm soát ung thư.
BS Quý nêu rõ, phương pháp tầm soát ung thư tốt cần đáp ứng 5 tiêu chí: (1) phương pháp tầm soát giúp phát hiện căn bệnh có tỉ lệ mắc bệnh, tỉ lệ tử vong cao (tầm quan trọng); (2) phương pháp “đủ nhạy” (hiệu quả tầm soát); (3) có thể điều trị tốt nhờ phát hiện sớm (hiệu quả điều trị); (4) phương pháp an toàn, dễ chịu (độ an toàn); (5) chi phí thấp (tính kinh tế).
Bên cạnh đó, BS lưu ý, hiện nay, ở Việt Nam, nhiều đơn vị đang quảng cáo tầm soát ung thư đại trực tràng và một số loại ung thư khác qua việc xét nghiệm các chỉ số CEA, CA 19-9… Bác sĩ Quý cho biết, đây là phương pháp tầm soát không đặc hiệu, thường chỉ phát hiện được ung thư giai đoạn II-III, không được hiệp hội ung thư ở các nước tiên tiến khuyên dùng.
Khi tầm soát ung thư, nếu phát hiện dấu hiện bất thường, người bệnh cũng không nên quá lo lắng, BS Quý nhấn mạnh, bởi như thống kê thực tế từ Nhật Bản, trong 607 ca nhận chẩn đoán bất thường (trên 10.000 người đi tầm soát ung thư đại trực tràng) chỉ có 17 ca nhận chẩn đoán ung thư. Tương tự, trong 447 người nhận chẩn đoán bất thường về vú, chỉ có 24 ca nhận chẩn đoán ung thư.
Ung thư đường tiêu hóa: Tầm soát từ tuổi 40
Trong phần trình bày của mình, BS La Vĩnh Phúc (giảng viên Bộ môn Ngoại - Trường ĐH Y Dược Cần Thơ; bác sĩ tại Trung tâm Nội soi – Bện viện ĐH Y Dược Cần Thơ) đưa ra những lời khuyên cụ thể về việc tầm soát đối với các bệnh ung thư đường tiêu hóa.
Trong đó, đối tượng nên tiến hành tầm soát ung đại trực tràng, gồm những người nhận thấy sự thay đổi trong thói quen đại tiện, đi cầu ra máu kéo dài, sụt cân, thiếu máu, hoặc có người thân trong gia đình mắc căn bệnh này. Ngoài ra, những người trên 40 tuổi, dù khỏe mạnh, cũng nên đi tầm soát, bởi thực tế có rất nhiều bệnh nhân ở độ tuổi này. Cách làm là xét nghiệm tìm máu ẩn trong phân mỗi năm một lần. Đây là một loại xét nghiệm đơn giản, “dễ hơn cả test Covid”, có thể tự làm tại nhà, nếu kết quả dương tính thì nên đi nội soi, thăm khám chuyên sâu để kiểm tra kỹ hơn. Về kiểm tra nội soi đại tràng, theo BS Phúc, có thể tiến hành định kỳ 2-3 năm/lần tùy theo điều kiện của từng cá nhân cũng như tiến bộ máy móc thăm khám của các cơ quan y tế tại địa phương.
Bổ sung thông tin, BS Quý cho biết, phương pháp tầm soát ung thư đại trực tràng bằng nội soi được các tổ chức y tế tại những nước tiên tiến như Nhật Bản, Mỹ đánh giá cao, vì nó giúp phát hiện căn bệnh ngay từ giai đoạn 1 với biểu hiện là các polip xuất hiện trong thành cơ quan này.
Đối với ung thư dạ dày, BS Phúc lưu ý: những nghiên cứu mới của thế giới đã chứng minh virus HP là nguyên nhân chính gây ra căn bệnh này, vì vậy nếu đã có xét nghiệm virus HP dương tính thì nên tầm soát sớm. Diệt virus HP càng sớm thì càng giảm được nguy cơ ung thư dạ dày và việc này nên làm ngay ở độ tuổi trung học.
Trong khi đó, BS Quý cho biết, virus HP có thể chữa trị bằng kháng sinh và người bệnh cần tuân thủ nghiêm ngặt chỉ định của bác sĩ, không tự ý dùng kháng sinh, để tránh rơi vào tình trạng kháng kháng sinh, dẫn đến khả năng phải đổi qua 2-3 phác đồ điều trị mà vẫn chưa diệt được virus HP.
Ung thư vú: Tầm soát định kỳ mỗi năm một lần
Cuối cùng, BS. Phạm Vân Ngọc (đồng sáng lập DECA Care - Trung tâm Phát hiện sớm ung thư và Chăm sóc giảm nhẹ) chia sẻ về việc tầm soát ung thư vú - loại ung thư chiếm tỷ lệ cao ở phụ nữ. Theo BS Ngọc, phụ nữ có nguy cơ cao mắc ung thư vú từ độ tuổi 40 trở đi, bởi vậy, phụ nữ ở độ tuổi này nên đi khám để tầm soát định kỳ với tần suất mỗi năm một lần. Phương pháp tầm soát hiệu quả được các tổ chức y tế uy tín trên thế giới khuyến cáo là chụp X-quang tuyến vú (Mammography). Phương pháp này có thể giúp phát hiện đám vôi hóa nghi ngờ mới hình thành với độ nhạy hơn 80% ở tuyến vú và đặc biệt hiệu quả với những người có bầu vú to, nhiều mỡ.
Với các địa phương, cơ sở y tế không có máy chụp Mammo, việc tầm soát được thực hiện bằng khám lâm sàng và siêu âm. Phương pháp này rẻ tiền, không đau, tuy nhiên có nhược điểm là độ nhạy không cao, thường chỉ phát hiện được khi ung thư đã tạo khối và kết quả phụ thuộc nhiều vào trình độ người siêu âm.
BS Ngọc cho biết thêm, tầm soát sớm ung thư vú cũng nên thực hiện với những người có nguy cơ cao như bản thân bệnh nhân hoặc người thân trực hệ có đột biến gen BRCA1, BRCA2 hoặc có hội chứng Cowden, Li-Fraumeni…, người từng xạ trị vùng ngực. Những người thuộc đối tượng này từ 30 tuổi trở lên nên thăm khám vú định kỳ.
Với ung thư cổ tử cung, BS Ngọc có lời khuyên về tầm soát tương tự. Trong đó, bà nhấn mạnh xét nghiệm làm phiến đồ âm đạo để xét nghiệm tìm virus HPV- thủ phạm chính gây ra ung thư tử cung.
Đối với ung thư tuyến giáp - loại ung thư được nhiều người Việt Nam “nô nức” đi tầm soát thời gian gần đây, các bác sĩ lưu ý: ung thư tuyến giáp không phải là loại ung thư nguy hiểm, bệnh nhân không nên quá sợ hãi mà đòi cắt bỏ tuyến giáp vì đây là tuyến cơ quan quan trọng ảnh hưởng đến tâm lý, nội tiết, gây ra sự khó khăn trong bổ sung, điều trị về sau nếu bị cắt bỏ.
Nhìn chung, thông điệp mà các bác sĩ muốn gửi đến bệnh nhân là: nên thực hiện tầm soát ung thư bằng các phương pháp được các tổ chức y tế lớn trên thế giới khuyến cáo sử dụng rộng rãi. Các phương pháp tầm soát ung thư mới chỉ nên được tham khảo bởi vẫn còn đang trong nghiên cứu thử nghiệm, độ chính xác chưa được đảm bảo, đồng thời chi phí không hề thấp.
Ngoài ra, BS Phạm Nguyên Quý còn nhấn mạnh, nghiên cứu của Quỹ Nghiên cứu Ung thư Thế giới và Viện Nghiên cứu Ung thư Hoa Kỳ đã chỉ ra: nếu người dân thực hiện 5 khuyến cáo sau trong cuộc sống thì có thể giúp giảm tới 50% nguy cơ mắc ung thư, đó là: dinh dưỡng hợp lý, duy trì cân nặng hợp lý, vận động tích cực, giảm/bỏ rượu bia, không thuốc lá.
Med Talks là chuỗi sự kiện xoay quanh chủ đề y khoa, dược, tâm lý do mạng lưới tri thức số MetaMinds tổ chức khoảng hai tuần một lần, với sự đồng hành của thương hiệu xuất bản sách y học MedInsights và công ty công nghệ eDoctor.
Đọc thêm: