Nhiều người cho rằng việc bấm nút hoãn bão thức (snooze) rất có hại, gây suy giảm trí nhớ, rối loạn giấc ngủ - và việc ngủ thêm vài phút vào buổi sáng trước khi thức dậy sẽ chỉ khiến bạn cảm thấy mệt mỏi hơn. Nhưng nghiên cứu cho thấy kết quả khác.

d
Không nhất thiết phải lo lắng nếu bạn là kiểu người thường bấm nút "snooze" để trì hoãn việc thức dậy. Ảnh: DG FotoStock/ Shutterstock

Rất nhiều người có thói quen bấm nút “hoãn báo thức" (snooze) vài lần trước khi thực sự thức dậy vào mỗi sáng. Theo một số cuộc khảo sát, khoảng 50% - 60% số người được hỏi cho biết họ thường bấm nút này và ngủ lại thêm những giấc ngắn.

Rất nhiều người cho rằng việc bấm nút “snooze" rất có hại, gây suy giảm trí nhớ, rối loạn giấc ngủ - và việc ngủ thêm vài phút vào buổi sáng trước khi thức dậy sẽ chỉ khiến bạn cảm thấy mệt mỏi hơn.

Nhưng một nghiên cứu gần đây do trợ lý giáo sư Tina Sundelin (khoa Tâm lý học, Đại học Stockholm, Thuỵ Điển) và các cộng sự thực hiện đã chỉ ra rằng quan niệm này có thể không đúng, bởi việc chợp mắt thêm một khoảng thời gian ngắn vào buổi sáng thực sự có thể có lợi với một số người - đặc biệt là những người đang phải vật lộn với tình trạng mệt mỏi vào buổi sáng.

Nghiên cứu được chia thành hai phần. Đầu tiên, hơn 1.700 người trả lời bảng hỏi trực tuyến về thói quen ngủ và thức của họ. Trong đó, có một số câu hỏi tìm hiểu về việc họ có nhấn nút tạm dừng báo thức vào buổi sáng hay không.

Sau đó, nhóm nghiên cứu so sánh các đặc điểm của những người cho biết họ có bật nút “snooze" với những người không bao giờ bật nút này. “Chúng tôi phát hiện ra rằng độ tuổi trung bình của nhóm bật nút ít hơn nhóm không bật nút 6 tuổi. Ngoài ra, nhóm bật nút ngủ ít hơn 13 phút mỗi đêm vào các ngày làm việc trong tuần", Sundelin cho biết.

Không có sự khác biệt về thời gian ngủ vào cuối tuần cũng như chất lượng giấc ngủ. Tuy nhiên, những người ngủ lại có xu hướng tự xếp mình vào tuýp người hoạt động về đêm cao gấp 4 lần và có khả năng cảm thấy buồn ngủ sau khi thức dậy cao gấp 3 lần.

“Chúng tôi hỏi thêm về việc tại sao mọi người lại nhấn nút 'snooze', và nhận ra rằng nguyên nhân chính là do họ quá mệt để có thể thức dậy. Nhiều người cũng cho biết họ ngủ lại để cảm thấy dễ chịu và vì họ muốn thức dậy một cách thong thả”, Sundelin tiết lộ thêm. Khoảng 10% số người được hỏi đặt nhiều báo thức vì họ lo lắng rằng mình không thức dậy nổi khi chuông đầu tiên reo.

Trong phần thứ hai của nghiên cứu, để giúp nhóm nghiên cứu tìm hiểu về tác động của việc ngủ lại, 31 người có thói quen ngủ lại đã đến phòng thí nghiệm về giấc ngủ. Các nhà khoa học đã ghi chép lại giấc ngủ của họ bằng phương pháp đo đa ký giấc ngủ (phương pháp đo đạc các hoạt động của cơ thể khi ngủ, trong đó một số điện cực được đặt trên đầu và cơ thể để đánh giá các giai đoạn giấc ngủ suốt đêm). Sau đêm đầu tiên nhằm giúp các tình nguyện viên làm quen với môi trường mới, nhóm nghiên cứu bắt đầu theo dõi hai đêm tiếp theo.

Các tình nguyện viên sẽ thức dậy trong các điều kiện khác nhau. Một sáng, họ đặt báo thức trước khi phải thức dậy 30 phút và được phép ngủ lại ba lần trong suốt thời gian đó. Một sáng khác, họ ngủ một mạch và phải thức dậy khi một chuông báo thức duy nhất reo.

Sau khi thức dậy, họ thực hiện một số bài kiểm tra nhận thức (chẳng hạn như bài kiểm tra trí nhớ và các phương trình toán học đơn giản), xét nghiệm cortisol có trong nước bọt (một loại hormone được cho là giúp chúng ta thức dậy) và mô tả về tình trạng ngái ngủ cũng như tâm trạng của họ. Các bài kiểm tra được lặp lại sau đó 40 phút và hai lần nữa trong ngày.

f
Nhiều người nhấn nút "snooze" vì họ quá mệt để có thể thức dậy. Ảnh: Shutterstock

Thức dậy từ từ trong khi ngủ lại

Kết quả cho thấy, khi những người tham gia được nhấn nút “snooze", giấc ngủ của họ trở nên nhẹ nhàng hơn và cảm thấy đỡ buồn ngủ hơn trong 30 phút cuối trước khi thức dậy. Trung bình họ vẫn ngủ thêm được khoảng 23 phút, chỉ ít hơn sáu phút so với khi ngủ một mạch. Và, khi tính phần còn lại của đêm, không có sự khác biệt về thời gian ngủ hoặc chất lượng của giấc ngủ giữa hai ngày.

Bên cạnh đó, nghiên cứu phát hiện, trong ngày mà những người tham gia được ngủ lại, họ thực hiện bài kiểm tra nhận thức tốt hơn một chút so với ngày còn lại.

Lời giải thích hợp lý nhất cho hiện tượng này là khi được ngủ lại, những người tham gia cũng tỉnh giấc một cách từ từ. Điều này có thể đã giúp họ tránh khỏi tình trạng quán tính giấc ngủ - cảm giác mơ màng, uể oải khi đang ở giữa trạng thái giữa tỉnh và thức. Khi đó, cơ thể đầy chán chường, kém tỉnh táo và có ý muốn ngủ lại.

Có thể chứng minh tình trạng thức dậy từ từ thông qua sự khác biệt nhỏ về mức độ cortisol được thấy ở những người tham gia. Nghiên cứu trước đây cho thấy nồng độ hormone cortisol trong cơ thể sẽ đạt mức cao sau khi ngủ dậy để giảm quán tính giấc ngủ, giúp chúng ta cảm thấy tỉnh táo. Và trong nghiên cứu này, nồng độ cortisol ở những người được phép bấm nút “snooze" ở mức cao hơn.

Ngoài ra, vì những người ngủ lại không rơi vào giấc ngủ sâu nên họ sẽ dễ thức dậy hơn. Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng chúng ta dễ thức dậy sau một giấc ngủ nông hơn so với một giấc ngủ sâu.

“Mặc dù những phát hiện này sẽ giúp những người hay ngủ lại cảm thấy nhẹ nhõm hơn, nhưng nghiên cứu không nhằm khẳng định đây là cách thức dậy tối ưu với tất cả mọi người. Nếu bạn là kiểu người thức dậy sau một tiếng chuông, đã tỉnh táo và sẵn sàng đi làm, việc ngủ lại có thể sẽ không mang lại lợi ích gì cho bạn”, Sundelin phân tích.

“Còn nếu bạn thích ngủ lại và cảm thấy nó giúp bạn tỉnh táo, thì nghiên cứu của chúng tôi cho thấy bạn hãy cứ tiếp tục ngủ lại mà đừng lăn tăn gì - miễn là bạn ngủ đủ giấc trước khi báo thức đầu tiên reo lên", cô kết luận.

Nguồn: