Các tác động thần kinh phổ biến nhất của Covid-19 là đột quỵ và viêm não, thậm chí một số bệnh nhân có các triệu chứng hô hấp nhẹ lại bị ảnh hưởng thần kinh nặng nhất.

Hồi tháng 4, Nhật Bản đã công bố báo cáo đầu tiên về một người mắc COVID-19 bị sưng và viêm các mô não. Một báo cáo khác mô tả một bệnh nhân bị suy giảm myelin - lớp chất béo bảo vệ tế bào thần kinh và không thể phục hồi khi bị tổn thương do các bệnh thoái hóa thần kinh như bệnh đa xơ cứng.

Các triệu chứng thần kinh đi kèm COVID-19 bao gồm mê sảng, rối loạn tâm thần và đột quỵ.

Khi đại dịch gia tăng, Benedict Michael, nhà thần kinh học tại Đại học Liverpool, Vương quốc Anh và các đồng nghiệp của ông bắt đầu soạn các báo cáo về các biến chứng thần kinh liên quan đến COVID-19.

Trong một bài báo hồi tháng 6, ông và nhóm của mình đã phân tích các chi tiết lâm sàng của 125 người ở Vương quốc Anh nhiễm COVID-19 bị ảnh hưởng đến thần kinh hoặc tâm thần. Trong số này, 62% đã bị tổn thương nguồn cung cấp máu não, chẳng hạn như đột quỵ và xuất huyết; và 31% bị thay đổi trạng thái tâm thần, chẳng hạn như lú lẫn hoặc bất tỉnh kéo dài - đôi khi kèm theo viêm não, sưng mô não.

Và không phải tất cả những người có các triệu chứng thần kinh do Covid-19 đều là các ca bệnh nặng trong các đơn vị chăm sóc đặc biệt.

Một nghiên cứu tương tự được công bố vào tháng 7 đã tổng hợp các báo cáo chi tiết về 43 trường hợp bị biến chứng thần kinh do COVID-19. Michael Zandi, nhà thần kinh học tại University College London và là tác giả chính của nghiên cứu này, cho biết, một số mẫu hình đang trở nên rõ ràng. Các tác động thần kinh phổ biến nhất là đột quỵ và viêm não. Sau đó có thể chuyển sang một dạng nghiêm trọng được gọi là viêm cơ não lan tỏa cấp tính, trong đó cả não và tủy sống đều bị viêm và các tế bào thần kinh mất lớp phủ myelin - dẫn đến các triệu chứng giống như bệnh đa xơ cứng. Thậm chí một số bệnh nhân chỉ có các triệu chứng hô hấp nhẹ lại bị ảnh hưởng thần kinh nặng nhất. "Đây là các trường hợp bộ não trở thành mục tiêu chính của bệnh," Zandi nói.

Ít phổ biến hơn là tổn thương dây thần kinh ngoại vi, và hội chứng lo lắng và rối loạn căng thẳng sau chấn thương.

Các triệu chứng tương tự cũng đã được ghi nhận trong các đợt bùng phát hội chứng hô hấp cấp tính nghiêm trọng (SARS) và hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS), đều do virus corona gây ra. Nhưng ít người bị nhiễm SARS và MERS hơn so với COVID-19.

Các bác sĩ lâm sàng không biết những tác động của COVID-19 đến thần kinh phổ biến đến mức nào. Một nghiên cứu được công bố vào tháng 7 cho biết, các triệu chứng ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương xảy ra ở ít nhất 0,04% những người bị SARS và 0,2% những người bị MERS. Ước tính hiện nay có 28,2 triệu trường hợp xác nhận nhiễm COVID-19 trên toàn thế giới, vậy có thể khoảng 10.000 đến 50.000 người đã trải qua các biến chứng thần kinh.

Nhưng lỗ hổng trong việc định lượng các ca bệnh thần kinh là các nghiên cứu lâm sàng thường về COVID-19 chỉ tập trung vào những ca phải nhập viện, thường là những ca cần chăm sóc đặc biệt. Sự khan hiếm dữ liệu làm cho các nhà khoa học rất khó tìm ra lý do tại sao một số người nhiễm COVID phát triển các triệu chứng thần kinh và những người khác thì không. Cũng không rõ liệu các tác động thần kinh có kéo dài hay không.

Vì sao bộ não lại bị ảnh hưởng

Tuy nhiên, câu hỏi cấp bách nhất đối với nhiều nhà khoa học thần kinh là tại sao bộ não lại bị ảnh hưởng.

"Nếu đây là do lây nhiễm virus trực tiếp vào hệ thần kinh trung ương thì nên điều trị bằng remdesivir hoặc một loại thuốc kháng virus khác," Michael nói. "Còn nếu virus không ở trong hệ thần kinh trung ương, có thể virus đã ra khỏi cơ thể, thì chúng ta cần điều trị bằng các liệu pháp chống viêm."

Điều trị sai sẽ rất có hại, Michael nói. "Việc đưa thuốc kháng virus cho một người nào đó là vô nghĩa nếu virus đã ra khỏi cơ thể họ. Và việc tiêm thuốc chống viêm cho một người vẫn còn virus trong não sẽ rất rủi ro."

Có bằng chứng rõ ràng rằng SARS-CoV-2 có thể lây nhiễm vào các tế bào thần kinh. Nhóm nghiên cứu của Alysson Muotri, nhà thần kinh học ở Đại học California, San Diego, La Jolla, đã chỉ ra rằng SARS-CoV-2 có thể lây nhiễm các tế bào thần kinh trong các ‘organoids’ - các khối mô não thu nhỏ, giết chết một số tế bào và làm giảm sự hình thành các khớp thần kinh giữa chúng.

Nghiên cứu của nhà miễn dịch học Akiko Iwasaki và các đồng nghiệp tại Trường Y thuộc Đại học Yale ở New Haven, Connecticut, cũng xác nhận điều này bằng cách sử dụng các organoids của người, não chuột và một số mẫu từ khám nghiệm tử thi. Câu hỏi tiếp theo là SARS-CoV-2 đã tiếp cận não người thế nào?

Một số thử nghiệm thông qua các 'organoids' cho thấy SARS-CoV-2 có thể lây nhiễm vào não.

Vì mất khứu giác là một triệu chứng phổ biến, các nhà thần kinh học đã tự hỏi, liệu dây thần kinh khứu giác có thể là con đường xâm nhập hay không. Michael nói: “Mọi người đều lo ngại rằng đây là một khả năng. Nhưng các bằng chứng không ủng hộ giả thuyết này."

Một nhóm nghiên cứu do Mary Fowkes, nhà nghiên cứu bệnh lý học tại Trường Y Icahn ở Mount Sinai, TP New York, dẫn đầu, đã mô tả khám nghiệm tử thi ở 67 người đã chết vì COVID-19. Fowkes cho biết đã nhìn thấy virus trong não nhưng lượng virus thấp và họ không nhìn thấy virus liên quan đến hành khứu giác (vùng thần kinh giúp ngửi). Thay vào đó, nhiễm trùng trong não rất nhỏ và có xu hướng tụ lại quanh các mạch máu.

Michael đồng ý rằng rất khó tìm thấy virus trong não so với các cơ quan khác. Các xét nghiệm sử dụng phản ứng chuỗi polymerase (PCR) thường không phát hiện ra virus ở đó, mặc dù có độ nhạy cao. Và một số nghiên cứu không tìm thấy bất kỳ hạt virus nào trong dịch não tủy bao quanh não và tủy sống.

"Rất hiếm khi bệnh nhân bị nhiễm virus hệ thần kinh trung ương," Michael nói. Có nghĩa là nhiều vấn đề thần kinh có thể là do hệ thống miễn dịch của cơ thể đang chống lại virus.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu vẫn cần xác định các dấu ấn sinh học có thể phân biệt một cách đáng tin cậy giữa nhiễm trùng não do virus và hoạt động miễn dịch của cơ thể.

Nguồn: