Các nhà khoa học tại Trung tâm Nghiên cứu Thủy sản biển (CMFRI) Ấn Độ đang phát triển những sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên – từ rong biển và một số loài sinh vật biển khác – để bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho con người.

Trong thông cáo báo chí, CMFRI cho biết Trung tâm đã nghiên cứu thành công một loại chiết xuất từ rong biển mang tên Cadalmin LivCure – có khả năng hỗ trợ điều trị bệnh gan nhiễm mỡ không do cồn (NAFLD). Sản phẩm là sự kết hợp độc đáo giữa thành phần hoạt tính sinh học hoàn toàn từ tự nhiên cùng công nghệ xanh thân thiện với môi trường. Đây là hướng đi đang được CMFRI tập trung theo đuổi, và Trung tâm hiện đã phát triển được một danh mục bao gồm 9 sản phẩm nhằm giúp người bệnh cải thiện dinh dưỡng và chống lại nhiều bệnh liên quan đến lối sống như tiểu đường Type 2, viêm khớp, máu nhiễm mỡ, huyết áp cao, suy giáp, loãng xương,... hay tăng cường khả năng miễn dịch. Trong số này, 8 sản phẩm được chiết xuất từ tảo biển và 1 từ vẹm xanh.

 Phơi khô rong đỏ.

Phơi khô rong đỏ.

TS. Kajal Chakraborty, nhà nghiên cứu chính tại mảng dinh dưỡng, sức khỏe và công nghệ sinh học biển của CMFRI là người dẫn đầu nhóm phát triển, tìm cách tổng hợp các pharmacophore hoạt tính sinh học từ rong biển thành nutraceutical (dược thực phẩm). “Những thử nghiệm tiền lâm sàng cho thấy chiết xuất LivCure có khả năng ức chế nhiều loại enzym khác nhau và các thụ thể liên quan đến tình trạng rối loạn lipid trong máu hay sinh lý bệnh học dẫn đến chứng NAFLD. Sức khỏe gan qua đó dần được cải thiện, thể hiện qua các chỉ số nằm trong ngưỡng chấp nhận được,” ông nói.

Nutraceutical cũng đã được chứng minh là không gây ra bất cứ tác dụng phụ nào, và người sử dụng sản phẩm trong lâu dài sẽ không lo cơ thể bị nhiễm độc – TS. Chakraborty khẳng định. “Chúng tôi kỳ vọng công nghệ sẽ sớm được cấp phép cho các nhà sản xuất để thương mại hóa”, ông nói.

Rong biển nhiệt đới.

Rong biển nhiệt đới.

Giám đốc CMFRI, TS. A Gopalakrishnan chia sẻ: “Rong biển thường được xem là một loại thảo mộc kỳ diệu từ đại dương nhờ sở hữu dược tính mạnh mẽ. Gần đây, ngành công nghiệp dinh dưỡng đang rất quan tâm đến loại macroflora này bởi chức năng hỗ trợ và bảo vệ cơ thể khỏi nhiều bệnh mãn tính. Chính các nghiên cứu chuyên sâu nhằm khai thác hết giá trị của rong biển đã giúp CMFRI đạt được danh tiếng như hôm nay tại Ấn Độ”.