Nguồn thu khổng lồ từ dịch vụ du lịch kết hợp phẫu thuật thẩm mỹ đang kéo nhiều quốc gia - từ các nước phát triển đến các nước đang phát triển - tham gia vào cuộc đua thu hút khách hàng.
Hốt bạc nhờ các “bệnh nhân không biên giới”
Trong những năm gần đây, du lịch thẩm mỹ đang bùng nổ ở hầu khắp các nước, các châu lục trên phạm vi toàn cầu - bất kể ở các nền kinh tế phát triển hay đang phát triển.
Tạp chí Mother Jones cho biết, Colombia đón 20.000 khách du lịch nước ngoài tới làm phẫu thuật thẩm mỹ mỗi năm. Thái Lan mỗi năm chỉnh sửa nhan sắc bằng “dao kéo” cho 15.000 du khách Australia - theo tiết lộ của Dailymail. Còn theo Bloomberg, số người đi du lịch kết hợp với phẫu thuật thẩm mỹ ở Hàn Quốc từ năm 2009 đến năm 2012 đã tăng 5 lần với 15.428 người. Ở Mỹ, trong 750.000 người đi du lịch nước ngoài kết hợp chăm sóc sức khỏe, có khoảng 13% tìm kiếm các dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ.
Các con số trên cho thấy, du lịch thẩm mỹ thực sự đang là xu hướng nở rộ trên thế giới. Hiện tượng này được bác sĩ Tim Papadopoulos - Chủ tịch Hiệp hội Phẫu thuật thẩm mỹ của Australia - miêu tả giống như một “cái chợ sức khỏe toàn cầu”. Trong khi đó, Phó Giáo sư Leigh Turner thuộc Đại học McGill (Canada) gọi những người đi du lịch chăm sóc sức khỏe nói chung và du lịch thẩm mỹ nói riêng là “bệnh nhân không biên giới”.
“Các khách hàng của dịch vụ chăm sóc sức khỏe bây giờ có nhiều lựa chọn tốt hơn vì họ không bị giới hạn bởi các nhà cung cấp dịch vụ trong nước cũng như các chính sách bảo hiểm mang tính vùng miền. Họ có thể sử dụng Internet và các công ty du lịch y tế để tìm kiếm những nhà cung cấp dịch vụ mà họ thích” - Leigh Turner nói.
Sự gia tăng du lịch thẩm mỹ đã tạo thành một làn sóng rộng lớn, đem lại nguồn thu khổng lồ cho nhiều quốc gia. Tờ Bloomberg ước tính, ngành công nghiệp du lịch y tế (bao gồm cả loại hình du lịch thẩm mỹ) của Hàn Quốc trong năm 2012 đã đem về khoản tiền 453 triệu USD cho nước này. Dự đoán đến năm 2020, con số sẽ tăng lên 3,2 tỷ USD. Năm 2013, Thái Lan thu lợi tới 4,31 tỷ USD từ ngành công nghiệp này, tăng trung bình 15% mỗi năm trong suốt một thập kỷ qua. Ở Dubai năm 2012, ngành du lịch y tế đã đem về nguồn thu tới 1,6 tỷ USD.
Đáng chú ý, du lịch y tế nói chung và du lịch thẩm mỹ nói riêng không còn là hiện tượng chỉ diễn ra ở các nước công nghiệp có nền kinh tế phát triển mà còn dịch chuyển mạnh sang các nước đang phát triển. Tổ chức Y tế Thế giới ước tính, trong năm 2015, Mỹ mất 446,7 triệu USD do người dân nước này ra nước ngoài tìm kiếm các dịch vụ y tế bao gồm cả phẫu thuật thẩm mỹ. Ở nhiều nước phát triển khác, người dân cũng có xu hướng lựa chọn du lịch thẩm mỹ tới các nước đang phát triển thuộc khu vực Mỹ Latinh, châu Phi và châu Á.
“Du lịch y tế (bao gồm cả du lịch thẩm mỹ - PV) đang tăng trưởng mạnh trong suốt 10-15 năm qua, đặc biệt ở các nước đang phát triển” - ông Glenn Cohen - Giáo sư tại Đại học Harvard nhận định.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới sự dịch chuyển này được nhận định là do ở các nước đang phát triển, giá du lịch thẩm mỹ rẻ hơn nhiều so với các nước phát triển.
Theo thống kê của Nhà xuất bản Patients Beyond Borders, nếu so sánh giá du lịch y tế với Mỹ thì khách hàng tới các nước khác sẽ tiết kiệm được rất nhiều chi phí. Ví dụ, nếu đi Thái Lan sẽ tiết kiệm được 50-75%, đến Malaysia tiết kiệm được 65-80%. Con số tương tự là 65-90% ở Ấn Độ, 45-65% ở Mexico, 45-65% ở Costa Rica và 20-30% ở Brazil.
Một nguyên nhân nữa là ở các nước đang phát triển, quy định về tiêu chuẩn y tế trong phẫu thuật thẩm mỹ không nghiêm ngặt như ở các nước phát triển. Điều đó góp phần tạo ra sự đa dạng về lựa chọn thẩm mỹ cho nhiều người ở nhiều giai tầng, lứa tuổi khác nhau.
Chiến lược “hút khách” của các quốc gia
Tổ chức Du lịch Hàn Quốc cho biết, chính phủ nước này đang kỳ vọng sẽ thu lợi 3 tỷ USD (khoảng 0,2% GDP) từ ngành du lịch y tế - bao gồm cả du lịch thẩm mỹ - vào năm 2020.
Để thúc đẩy lĩnh vực này, tháng 8/2015, Hàn Quốc công bố miễn thuế 10 phần trăm trong vòng 1 năm cho những người đến nước này du lịch kết hợp phẫu thuật thẩm mỹ.
Chính phủ Hàn Quốc còn lập các trung tâm hỗ trợ pháp lý cho những du khách tới đây phẫu thuật thẩm mỹ nhưng gặp phải rủi ro hoặc không hài lòng với kết quả. Các yêu cầu về visa đối với người nước ngoài tới Hàn Quốc du lịch thẩm mỹ cũng được nới lỏng.
Nước này cũng đang lên kế hoạch giám sát chặt hơn hoạt động phẫu thuật thẩm mỹ để đảm bảo an toàn cho người nước ngoài, ra sách chỉ dẫn về giá cho các dịch vụ y tế. Hàn Quốc dự định phát hành một website chính thức hỗ trợ và tư vấn đa ngôn ngữ vào năm 2016 cho những người muốn du lịch y tế tới nước này. Một đường dây nóng cũng sẽ được thiết lập, hoạt động từ thứ hai đến thứ sáu trong thời gian từ 9 giờ sáng đến 6 giờ chiều để hỗ trợ du khách kịp thời.
Giống với Hàn Quốc, Thái Lan cũng thực hiện chính sách nới lỏng các quy định về visa để thúc đẩy lĩnh vực du lịch chữa bệnh và thẩm mỹ. Khách du lịch hợp pháp từ Bahrain, Kuwait, Oman, Qatar, Saudi Arabia có thể ở lại nước này tới 90 ngày mà không cần có visa nếu tham gia dịch vụ thẩm mỹ.
Bên cạnh đó, sự tích hợp các khu nghỉ dưỡng cao cấp giá hấp dẫn với bệnh viện, trung tâm phẫu thuật thẩm mỹ cho khách du lịch ở Thái Lan đã tạo ra sức hút lớn đối với người nước ngoài.
Không chịu đứng nhìn số tiền lớn mỗi năm bị chảy ra ngoài, các nước phát triển có nhiều công dân du lịch sang nước khác tìm kiếm dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ đang thực hiện các kế hoạch thúc đẩy du lịch thẩm mỹ nội địa bằng nhiều biện pháp khác nhau.
Ở Mỹ, chính quyền các bang đang tích cực chỉnh trang các thành phố, cải tạo cơ sở y tế và cung cấp thông tin để thu hút khách du lịch y tế, đáp ứng ngay nhu cầu của người dân địa phương.
“Du lịch y tế đang tăng trưởng đáng kể. Nhờ có sự dễ dàng truy cập các thông tin trên Internet, người dân đã có nhiều sự lựa chọn” - ông Renee-Marie Stephano - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch y tế (Mỹ) cho biết.
Một số bang như Florida còn đưa ra chính sách về giá dịch vụ du lịch y tế hấp dẫn để “hạ nhiệt” mức giá vốn đắt đỏ cho loại dịch vụ này ở Mỹ, chẳng hạn không phân biệt giá du lịch y tế giữa khách nội địa hay quốc tế, du khách chi tiền cho dịch vụ y tế cũng sẽ được gói gọn luôn cả phần ở khách sạn và thuê xe.
Như thế có thể thấy rằng, từ việc nhận thức rõ du lịch thẩm mỹ đang trở thành một thị trường hút khách, có nhu cầu lớn và đem về doanh thu khổng lồ, nhiều quốc gia đã có những chính sách, chiến lược khôn ngoan để thúc đẩy lĩnh vực này nhằm góp phần vào phát triển kinh tế đất nước.
Du lịch thẩm mỹ, ngành quan trọng của kinh tế Thái Lan
Du lịch y tế nói chung và du lịch thẩm mỹ nói riêng đã và đang đem lại nguồn thu lớn cho nền kinh tế Thái Lan. Theo Tổ chức Y tế thế giới, loại hình du lịch thẩm mỹ đã đóng góp cho nền kinh tế nước này khoảng 52 tỷ baht (tương đương 1,5 tỷ USD) vào năm 2008, chiếm 0,4% GDP của Thái Lan. Năm 2015, con số này ước đoán khoảng 3 tỷ USD. |