Không chỉ giúp nhiều cô gái đổi đời, công nghệ chỉnh sửa hiện đại còn cứu vớt nhiều cuộc đời khi trả lại dung nhan cho những người bị hủy hoại gương mặt hay các phần cơ thể. Về khả năng tái tạo vẻ ngoài này, các bác sĩ Việt Nam không hề thua kém thế giới.


Phẫu thuật tạo hình Việt Nam ngang tầm thế giới

Ca ghép mặt lớn nhất thế giới được Mỹ công bố cách đây vài tuần - trong đó một lính cứu hỏa 41 tuổi bị bỏng toàn bộ mặt, mất cả tai và da đầu đã được cấy ghép phần mặt của người hiến 26 tuổi - cho thấy phép màu của phẫu thuật tạo hình - thẩm mỹ có thể lấy lại cuộc sống bình thường cho những con người tưởng đã bị hủy hoại. Tuy nhiên, tái tạo dung nhan cho những gương mặt dị dạng không phải chỉ là “phép lạ” chỉ xảy ra ở các nước phát triển mà ngay tại Việt Nam, đã có rất nhiều bệnh nhân lấy lại được vẻ đẹp và niềm vui sống nhờ bàn tay tài hoa của bác sĩ phẫu thuật.

GS-TS Trần Thiết Sơn - Trưởng bộ môn Phẫu thuật tạo hình, Đại học Y Hà Nội, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình, Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội) - cho biết, Việt Nam đã có nhiều thành tựu đáng tự hào trong kỹ thuật tạo hình nhằm trả lại diện mạo và chức năng cho những người khiếm khuyết hình thể do tai nạn. Với kỹ thuật giãn da, các bác sĩ có thể nuôi cấy trên cơ thể nạn nhân một lượng da đủ cho ca phẫu thuật tạo hình mà không để lại vết sẹo lồi ở chỗ lấy da. Nhiều bệnh nhân có biến dạng khủng khiếp trên khuôn mặt, trên hộp sọ, cả phần xương và phần mềm đã được các bác sĩ Việt Nam giải quyết triệt để.

Anh C. ở Hải Dương là một trong những người may mắn đó. Bị điện cao thế giật, anh không chỉ mất da mà còn mất cả xương sọ vùng trán. Ngoài sự dị dạng, anh còn đối mặt với tình trạng nhiễm trùng phần màng não lộ thiên. Để che phần não này, tránh nhiễm trùng, các bác sĩ đã thực hiện phẫu thuật ghép mảnh da mỏng lên phần khuyết xương sọ. Tuy nhiên, ca phẫu thuật không thành công vì màng da mềm trong khi hộp sọ lại cứng, hai “chất liệu” không ăn nhập được với nhau. Nhờ cơ duyên “gặp thầy, gặp thuốc” anh C. được TS Trần Thiết Sơn khám và điều trị. Sau khi cân nhắc các phương án, ông quyết định tái tạo vùng đầu - mặt cho bệnh nhân này bằng kỹ thuật tái tạo hộp sọ bằng carbon - một vật kiệu chứng, thích hợp để ghép với xương sọ; sau đó ghép da vùng đùi (vùng da có độ dày hợp lý nhất) để che phủ vùng trán. Cái khó của ca mổ là phải “mài giũa” thật chuẩn mảnh ghép để đảm bảo sự ăn khớp hoàn toàn, tránh tình trạng rò rỉ dịch não ra ngoài. Ca mổ phức tạp đã diễn ra thành công, hiện gương mặt anh C. đã trở lại gần như bình thường, không còn đáng sợ như trước nữa.

Một ca tái tạo mặt rất phức tạp khác được các bác sĩ Bệnh viện Xanh Pôn thực hiện từ năm 2007 cho thấy phép màu mà bác sĩ Việt Nam tạo ra để phục hồi dung nhan cho bệnh nhân không hề thua kém thế giới. Bệnh nhân Nguyễn Văn Bính bị mất toàn bộ mũi, má và môi phải do tai nạn giao thông; đường mũi bị hở khiến anh bị khô niêm mạc mũi, viêm nhiễm. Ngoài ra, việc thở, ăn uống và nói cũng rất khó khăn. Để cùng lúc tái tạo ba bộ phận là tai, mũi và má, các chuyên gia Bệnh viện Xanh Pôn phải kết hợp ba kỹ thuật tiên tiến nhất lúc đó trong lĩnh vực phẫu thuật tạo hình và vi phẫu, đó là kỹ thuật giãn da, tạo hình vạt da cân và vi phẫu mạch máu thần kinh. Đây là một quy trình phức tạp nên không thể giải quyết chỉ trong một lần phẫu thuật, nhưng kết quả rất đáng tự hào, gương mặt bệnh nhân đã được phục hồi.

“Trong kỹ thuật vi phẫu, Việt Nam có thể nói là đã đạt trình độ ngang tầm thế giới, thậm chí nước ngoài còn phải tới chúng ta để học hỏi” - TS Sơn tự hào chia sẻ. Thật vậy, với kỹ thuật vi phẫu mới, các bác sĩ Việt Nam đã có thể tái tạo các cơ quan gần giống cơ quan đã mất trên cơ thể, sử dụng chất liệu tự thân để tiết kiệm chi phí và tránh phản ứng thải ghép. Họ cũng tạo được dương vật cho người chuyển giới, đảm bảo được cảm giác và chức năng. Còn khi tạo hình âm đạo, các bác sĩ cấy ghép niêm mạc miệng để bộ phận nhân tạo này có cảm giác như thật.

Hướng đến vẻ đẹp hoàn hảo không tì vết

Không chỉ những người có dung mạo khiếm khuyết cảm thấy được hồi sinh nhờ “dao kéo” mà ngày càng có nhiều người bình thường cảm thấy được đổi đời nhờ phẫu thuật chỉnh sửa nhan sắc. Rất nhiều cô gái không tự tin với vẻ ngoài của mình hoặc muốn mình trở nên hoàn hảo, đã được mãn nguyện khi tìm đến dịch vụ thẩm mỹ, từ những can thiệp nhỏ không đụng dao kéo như tiêm botox, tiêm chất làm đầy đến phẫu thuật.

Cơn sốt chỉnh sửa nhan sắc mỗi ngày một tăng cao trong giới showbiz, và độ nóng của nó lan sang cả giới chị em văn phòng nhờ những bức hình, bài viết chia sẻ trên mạng xã hội. Liên tục có những người nổi tiếng được phát hiện đã sử dụng botox, chất làm đầy, hoặc “mổ xẻ” các bộ phận, thậm chí sửa nhiều chỗ trên mặt và cơ thể. Muốn được đẹp “như sao”, nhiều cô gái không thuộc giới giải trí cũng cố gắng tiết kiệm tiền bạc đến thẩm mỹ viện để có đôi mắt hai mí to dài, chiếc cằm nhọn, mũi dọc dừa và đôi môi dày gợi cảm. Kết quả là xuất hiện hàng loạt phụ nữ có gương mặt đẹp hoàn hảo gần như giống hệt nhau.

Bác sĩ, đại tá Nguyễn Xuân Trừ - nguyên Trưởng phòng khám da liễu Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 - chia sẻ: “Trước kia đất nước còn nghèo, ai cũng mải lo cơm áo gạo tiền, giờ kinh tế đã khá hơn, mọi người đã có điều kiện quan tâm tới việc làm đẹp. Đặc biệt, khuôn mặt là nơi cần yêu cầu về thẩm mỹ cao hơn những nơi khác nên khách hàng thường chọn làm đẹp ở khuôn mặt”. Theo TS Trần Thiết Sơn, các bác sĩ Việt Nam đã có thể thực hiện hầu hết các chỉnh sửa thẩm mỹ trên cơ thể như mắt, mũi, cổ, bụng, âm đạo, đùi, bắp chân, tay... nhưng phổ biến nhất là sửa mắt, mũi và ngực.

Các chuyên gia cũng cho biết, nhiều chị em vốn đã có gương mặt xinh xắn, hài hoà nhưng vẫn muốn chỉnh sửa để trở nên hoàn mỹ hoặc các nét đúng với tiêu chuẩn đang là trào lưu. TS Sơn từng khuyên nhiều bệnh nhân như vậy đừng phẫu thuật nhưng họ vẫn kiên quyết làm. Theo ông, yêu cầu cá nhân của bệnh nhân cần được tôn trọng, và vì giới hạn tiêu chuẩn của cái đẹp luôn bị phá vỡ nên việc một chị em nào đó đã đẹp mà vẫn đi phẫu thuật thẩm mỹ cũng là bình thường. Tuy nhiên, nếu họ trở nên nghiện “dao kéo” - sửa được một vài bộ phận lại liên tục muốn sửa thêm những bộ phận khác - thì nên đến gặp bác sĩ tâm lý.

“Cái gì thái quá cũng đều không tốt. Bạn không nên lạm dụng công nghệ thẩm mỹ, nhất là khi mình không xấu và chỉ muốn phẫu thuật để giống các “ngôi sao” - bác sĩ Nguyễn Xuân Trừ nói.
Các chuyên gia cũng khuyến cáo chị em nên tỉnh táo trước quảng cáo có cánh của các thẩm mỹ viện. Nếu tra từ “phẫu thuật thẩm mỹ” trên Google, sẽ hiện ra vô số địa chỉ thẩm mỹ viện, rất nhiều trong số đó giới thiệu là làm theo công nghệ thẩm mỹ của Hàn Quốc. Theo TS Sơn, rất nhiều cơ sở tuy quảng cáo như vậy nhưng không thực hiện theo đúng quy trình của Hàn Quốc. Bên cạnh đó, tay nghề bác sĩ cũng không đồng đều nên nhiều khi sản phẩm tạo ra không đạt được độ hoàn hảo đáng có.

Phẫu thuật thẩm mỹ không phải là cách duy nhất hiệu quả để tăng nhan sắc. Một chế độ ăn uống hợp lý, sinh hoạt lành mạnh, thói quen luyện tập thể dục sẽ giúp vóc dáng cân đối, làn da tươi trẻ mà không phải đánh đổi bằng cảm giác đau đớn, sự tốn kém và rủi ro.

Rủi ro khi “tút tát” nhan sắc bằng phẫu thuật

Cho dù kỹ thuật y khoa đã phát triển ở trình độ rất cao, yếu tố rủi ro vẫn luôn tồn tại trong bất cứ loại phẫu thuật nào, phẫu thuật thẩm mỹ cũng vậy. Đây là điều mà những người muốn “dao kéo” nhất thiết phải cân nhắc trước khi quyết định thực hiện.
Bác sĩ Nguyễn Xuân Trừ cho biết: “Rủi ro trong ngành y nói chung, trong phẫu thuật thẩm mỹ nói riêng là khó tránh khỏi: Nhẹ thì bị viêm, sưng, chảy máu, nặng có thể bị hoại tử tổ chức trong cơ thể người, nhiễm trùng, thậm chí là tử vong. Những người từng tiến hành phẫu thuật thẩm mỹ dạng cắt gọt xương hàm, thay thế hoàn toàn răng sẽ phải chịu đựng thêm hệ quả là mất hoàn toàn cảm giác ở khu vực gọt hàm hoặc bị giảm chức năng nhai. Nhiều người sau khi phẫu thuật thẩm mỹ đã tự đẩy mình rơi vào tình cảnh bị trầm cảm bởi không có tâm lý vững vàng trước những lời khen, chê của mọi người xung quanh”.

Bác sĩ Thiết Sơn chia sẻ: “Phẫu thuật có thể để lại nhiều biến chứng, di chứng. Càng phẫu thuật nhiều thì tỉ lệ thành công càng thấp”.