Kết quả xét nghiệm máu của cô gái ở Hà Nội phát hiện lượng chì gấp 3 lần ngưỡng cho phép, trong khi tiền sử không tiếp xúc các nguồn nhiễm trừ việc dùng son môi màu đỏ hàng ngày.
Tiến sĩ Phạm Duệ, nguyên Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết, cô gái là một nữ MC truyền hình, có triệu chứngmất ngủ, táo bón, hay quên..., nghi ngờ bị nhiễm độc chì. Bác sĩ kiểm tra răng phát hiện viền lợi của cô đã chuyển màu đen xám, lấp lánh ánh kim loại.Kết quả xét nghiệm máu cho thấy lượng chì lên tới 32 mcg/dL, gấp hơn 3 lần ngưỡng cho phép.
Ảnh minh họa.
Cô gái cho biết không dùng thuốc nam hay tiếp xúc thường xuyên với các nguồn nhiễm chì, ngoại trừ việc hàng ngày sử dụng son môi đậm màu đỏ, đỏ cam. Vì thế, tiến sĩ Duệ cho rằng nhiều khả năng cô bị nhiễm chì do son môi. Đây là trường hợp ngộ độc chì nghi ngờ vì dùng son môi đầu tiên tiến sĩ Duệ gặp tại Việt Nam.
Tiến sĩ Duệ cho biết, nữ bệnh nhân được điều trị thải độc chì trong một thời gian dài và chia nhiều đợt. Nếu bệnh nhân bị ngộ độc mãn tính, chì sẽ lắng đọng ở nhiều bộ phận cơ thể, trong đó có xương.
Theo bác sĩ, không phải tất cả son môi đều chứa chì, tuy nhiên nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng kim loại độc hại này có mặt trong son môi nhiều hơn mức mọi người thường nghĩ. Chì được nhà sản xuất cho vào thành phần son môi có tác dụng làm tăng độ bám dính. Son càng nhiều chì thì càng có độ bám dính lâu. Bác sĩ khuyên nên tránh dùng son môi màu đậm, khi đánh son thì không nên liếm môi và trước khi ăn cần lau sạch.
Trẻ bị nhiễm độc chì thường có biểu hiện bất thường về tinh thần, thể lực và trí tuệ. Nếu nhiễm độc ở mức độ nhẹ thì trẻ khó tính, dễ cáu bẳn, hay quấy khóc hoặc bướng bỉnh, nghịch ngợm, không chịu nghe lời. Ở mức độ nặng hơn, nạn nhân có thể bị liệt cơ, mềm nhũn chân tay, thiếu máu, co giật và hôn mê. Người lớn nhiễm độc chì thường chán ăn, mất ngủ, đau đầu, thiếu máu, suy giảm sức khỏe, suy giảm trí nhớ và giảm năng suất lao động, tổn thương dây thần kinh...
Theo VNExpress