Cho đến nay, chỉ có hai cách để chống lại muỗi anopheles dirus: Chặt hết rừng hoặc chuyển tất cả những người đang sống ven rừng đi xa và không ai vào rừng nữa. Hai phương pháp này đều không khả thi.

“Rất thú vị khi đọc bài “Chuyên gia kể chuyện nghiên cứu muỗi truyền bệnh sốt rét” trên báo Khoa học và Phát triển số 924, tôi muốn được tiến sỹ Nguyễn Tuyên Quang - nguyên cán bộ Viện Sốt rét - Ký sinh trùng và Côn trùng Trung ương - nói nhiều hơn về đặc tính của loài muỗi truyền bệnh sốt rét, dựa trên thực tế nghiên cứu của ông” - độc giả Lê Bảo (Hà Nội) đề nghị. Dưới đây là phản hồi của tiến sỹ Quang.

Anopheles dirus là một trong hai loài muỗi lan truyền bệnh sốt rét mạnh nhất tại rừng núi Việt Nam. “Quê hương” của chúng là rừng sâu. Mùa mưa, khi muỗi phát triển mạnh, cây cối trong các thôn xóm lại xanh tốt tạo ra một dạng tán rừng, đàn muỗi này tràn về đốt người, làm lan truyền mạnh mẽ bệnh sốt rét trong dân. Loài muỗi này đặc biệt thích đốt người (chỉ dùng người làm mồi nhử mới bắt được lượng lớn muỗi để nghiên cứu). Khi không có người, chúng cũng phải đốt các loài động vật khác như bò, gà, lợn, chim... Nếu cùng lúc gặp cả người và lợn thì số muỗi đốt người cao gấp 10 lần đốt lợn.


Loài muỗi này đi ăn ngay từ chập tối. Chúng không rời nơi trú ẩn khi còn ánh nắng nhưng lại thích đi “kiếm ăn” vào những đêm trăng sáng - thời điểm nam nữ thanh niên thường rủ nhau đi chơi. Chỉ cần 2-3 đêm đi chơi trăng như vậy, khoảng 10-15 ngày sau sẽ có nhiều thanh niên gặp những cơn nóng - lạnh do sốt rét.

Muỗi anopheles dirus có khả năng bay khá xa. Trong một nghiên cứu, chúng tôi đã bắt gặp một con chỉ trong 3 đêm đã bay được gần 3km (tính theo đường thẳng). Một con muỗi sau khi hút no máu phải tìm nơi trú ẩn trong 3 ngày đêm để đợi trứng trong bụng phát triển, sau đó tìm ổ nước phù hợp để đẻ, sau khi đẻ xong mới tiếp tục tìm mồi mới.

Hiện khoa học chưa thành công trong việc chống lại loài anopheles dirus, dù đã biết khá rõ tập tính của nó. Thực tế cho thấy đây là loài muỗi vô cùng gan góc. Rất nhiều biện pháp phòng, chống đã được thử nghiệm như sử dụng hóa chất diệt côn trùng, hương xua đuổi muỗi; dùng tấm che phủ, “hàng rào” ngăn muỗi, hay dùng các loại bẫy như bẫy mùi, bẫy nhiệt, bẫy ánh sáng, bẫy thức ăn... Tuy nhiên, chưa có biện pháp nào thực sự hiệu quả và khả thi.

Gần đây có một biện pháp được các nhà sốt rét học trên thế giới quan tâm, đó là sử dụng một loại thuốc uống chống muỗi cho những người và đại gia súc cần đi vào rừng. Loại thuốc này ít gây tác dụng phụ, vô hại đối với người và súc vật sử dụng.

Tuy nhiên, những con muỗi đốt phải người và gia súc đang tồn dư thuốc này trong máu sẽ lăn ra chết. Tại châu Úc, châu Phi, biện pháp này đã mang lại hiệu quả tiêu diệt một số loài muỗi truyền bệnh.

Đơn vị nghiên cứu sốt rét Khánh Phú (Viện Sốt rét - Ký sinh trùng và Côn trùng Trung ương) cũng đã xây dựng kế hoạch thử nghiệm loại thuốc này. Tuy nhiên khi kiểm tra trong phòng thí nghiệm, chúng tôi phát hiện hàm lượng thuốc cần để diệt muỗi anopheles dirus phải cao gấp 4-5 lần so với các loài muỗi khác; do đó ý định này bị gác lại.

Sự khó trị của loài muỗi gây bệnh sốt rét khiến nhiều nhà khoa học đã phải thốt lên: “Anopheles dirus là loài muỗi khôn ngoan!”. Cho đến nay, chỉ có hai cách để chống lại chúng: Chặt hết rừng hoặc chuyển tất cả những người đang sống ven rừng đi xa và không ai vào rừng nữa. Hai phương pháp này đều không khả thi.