“Những đặc điểm bộ nhiễm sắc thể của loài anopheles dirus ở địa điểm Khánh Phú, Khánh Hoà” của PGS-TS Ngô Giang Liên (1994) là 1 trong số những bài báo đã mở đường cho việc xác định: Việt Nam chỉ có một loài muỗi gây ra bệnh sốt rét, đó là anopheles dirus.

Muỗi anopheles dirus. Ảnh: Scientists Against Malaria

TS Nguyễn Tuyên Quang cho biết: “Những người làm thực địa như chúng tôi đã dựa vào kết quả nghiên cứu của TS Liên để triển khai thêm. Bà là người dám hy sinh để những người đi sau có thể dựa trên tín hiệu di truyền để phân biệt các loài muỗi. Nếu không có cách phân loài của bà thì các nghiên cứu thực địa sẽ rơi vào mông lung, như “thầy bói xem voi”.

Nhờ phân loại một cách khoa học, các nhà nghiên cứu biết được loài muỗi này sinh trưởng, phát triển như thế nào, ở đâu, tập tính ra sao, nghĩa là lập được bản đồ phân bố muỗi sốt rét, từ đó mới có thể tìm ra những biện pháp phòng, chống cụ thể. Việc xác định thủ phạm là rất quan trọng. Muốn phòng, chống dịch bệnh tốt, điều đầu tiên cần làm là tìm được thủ phạm” - PGS Liên nói.

Trong chuyến đi thực địa ở Khánh Phú năm 1993, PGS-TS Ngô Giang Liên may mắn gặp đoàn công tác của Tổ chức Y tế thế giới và được họ giới thiệu với Hội đồng Anh, nhờ đó tiếp cận được hướng nghiên cứu hiện đại, giúp giải quyết được nhiều vấn đề.

“Những kết quả phân tích tiêu bản ban đầu có thể chỉ ra vector chính chính gây ra bệnh sốt rét tại vùng Khánh Phú thời điểm đó là con anopheles dirus. Sau này có cơ hội sang Anh, Mỹ, được tiếp cận với phương pháp phân tích DNA, bà kiểm tra lại và nhận thấy kết quả trùng khớp với kết quả phân tích nhiễm sắc thể từng làm ở Khánh Phú trước đây.