Nhân đọc bài “PGS-TS Ngô Giang Liên: Tự làm mồi cho muỗi để... chống bệnh sốt rét” trên Khoa học và Phát triển số 920, tiến sỹ (TS) Nguyễn Tuyên Quang - nguyên cán bộ Viện Sốt rét - Ký sinh trùng và Côn trùng Trung ương (NIMPE), thành viên đơn vị Nghiên cứu sốt rét Khánh Phú (KPMRU) được nhắc đến trong bài báo - chia sẻ những điều thú vị mà ông trải nghiệm trong quá trình nghiên cứu về loài muỗi An. Dirus- loài trung gian truyền bệnh sốt rét.
Cho tới cuối thế kỷ 20, người ta vẫn cho rằng bệnh sốt rét ở người chỉ do bốn loài ký sinh trùng sốt rét (KSTSR) của người gây nên và được lan truyền từ người bệnh sang người lành qua muỗi. Tuy nhiên, ý tưởng “con người còn có thể mắc bệnh sốt rét từ khỉ” đã có từ những năm 1970, nhưng do những khó khăn về kỹ thuật nên rất khó triển khai nghiên cứu, cho đến khi các phương pháp hỗ trợ nghiên cứu hiện đại hơn (như kỹ thuật sinh học phân tử) được áp dụng rộng rãi.
Muỗi An. Dirus - loài trung gian truyền bệnh sốt rét.
Là người đã dành gần như cả đời làm việc tại những vùng rừng núi của Việt Nam - nơi bệnh sốt rét hoành hành dữ dội, tôi nhận thấy sự dai dẳng của căn bệnh này nên đã nghĩ tới khả năng nhiễm sốt rét của con người từ động vật hoang dã trong rừng. Tháng 3/2004, tại hội thảo của Hiệp hội Ký sinh trùng Malaysia, tôi được nghe báo cáo của Giáo sư (GS) Cox-Singh về việc phát hiện những ca bệnh sốt rét ở người do một loài KSTSR của khỉ (Plasmodium knowlesi).
Từ đó, vấn đề này trở thành một mục tiêu nghiên cứu của KPMRU - đơn vị nghiên cứu sốt rét thực địa của NIMPE, hợp tác với Ủy ban Y tế Hà Lan - Việt Nam, đặt xã Khánh Phú, huyện Khánh Vĩnh, Khánh Hòa từ tháng 7/1993 và ngừng hoạt động vào tháng 5/2016.
Tuy nhiên, điều kiện labo (phòng thí nghiệm) nghèo nàn không cho phép KPMRU tiến hành những nghiên cứu đòi hỏi trang thiết bị cao; các kỹ thuật sinh học phân tử đều rất đắt. Chúng tôi đã cố gắng tìm sự hỗ trợ từ các labo trong và ngoài nước với hàng trăm mẫu KSTSR được gửi đi trong 4 năm, song không phát hiện gì mới.
Đầu năm 2009, tình cờ ngồi nói chuyện với GS Maeno của Đại học Y khoa Fujita Nhật Bản, biết ông cũng quan tâm vấn đề sốt rét khỉ ở người, tôi chuyển 3 mẫu thoa trùng (KSTSR trong cơ thể muỗi) cho Maeno. Kết quả phân tích mà tôi nhận được 3 tháng sau cho thấy một trong 3 mẫu hiện diện loài KSTSR khỉ có thể gây bệnh ở người là Plasmodium knowlesi. Hồi cứu hồ sơ mẫu vật này, tôi bật cười thầm nhận ra đây là KSTSR đã được mổ thấy trong một con muỗi thuộc loài An. dirus, được bắt vào tối 8/8/2008, khi Thế vận hội Olympic tại Bắc Kinh tưng bừng khai mạc.
Cuối năm 2009, đoàn khoa học Nhật Bản sang làm việc với KPMRU và một chương trình hợp tác đã hình thành. Các nghiên cứu của những năm tiếp theo đã phát hiện nhiều người dân Khánh Phú nhiễm KSTSR của khỉ - thủ phạm lan truyền bệnh chính là loài muỗi Anophes dirus.
Trong một hội thảo quốc tế về vấn đề khỉ truyền sốt rét cho người, tổ chức tháng 3/2012 tại Nha Trang, một phóng viên hỏi tôi: “Việc con người có thể nhiễm KSTSR của khỉ có thể cản trở mục tiêu loại trừ bệnh sốt rét ở người?”. Tôi đã trả lời: “Vấn đề này sẽ gây rất nhiều khó khăn cho việc loại trừ bệnh sốt rét, song mục tiêu này vẫn hoàn toàn có thể thực hiện được”. Khi nói như vậy, tôi nghĩ: Chúng ta đã biết loài muỗi giữ vai trò chính lan truyền sốt rét từ khỉ sang người, vậy hãy nghiên cứu tìm biện pháp phòng, chống loài muỗi này như đã thành công đối với nhiều loài muỗi truyền bệnh khác.
KPMRU đã kết thúc sứ mệnh của mình. Tôi trở về nhà khi sắp sang cái tuổi “cổ lai hy” nhưng vẫn cứ trăn trở vì các dự định nghiên cứu vẫn còn dở dang. Chắc chắn phải có cách chống lại loài muỗi này, tôi vẫn đinh ninh như vậy”.