“Riêng việc xác định thế nào là bẩn để phạt đúng cũng đã rất mệt, bởi đã có trường hợp 10 mẫu rau đưa đi xét nghiệm ở 2 nơi cho 2 kết quả trái ngược nhau. Một nơi thì bảo ổn, một nơi thì bảo không ổn, thậm chí lượng chất độc hại còn vượt quá 3,5 lần mức cho phép”.

TS Nguyễn Thị Kim Thoa - Vụ trưởng Vụ Pháp luật hành chính - hình sự, Bộ Tư pháp - đã chia sẻ như vậy tại lễ phát động chiến dịch chống thực phẩm bẩn tại Hà Nội. Điều này cho thấy nếu không nghiêm ngặt trong khâu kiểm nghiệm, việc phạt oan hay bỏ qua thực phẩm bẩn đều có thể xảy ra.
Người dân phun hoá chất cho rau màu tại thôn Triều Đông, xã Tân Minh, huyện Thường Tín, Hà Nội (ảnh chụp tháng 5/2016). Ảnh: Phượng Hằng
Người dân phun hoá chất cho rau màu tại thôn Triều Đông, xã Tân Minh, huyện Thường Tín, Hà Nội (ảnh chụp tháng 5/2016). Ảnh: Phượng Hằng

Trong khi đó, vấn đề an toàn thực phẩm đang là nỗi sợ hãi lớn của người tiêu dùng khi việc phun thuốc trừ sâu đang được thực hiện một cách tùy tiện và số người ngộ độc hay mắc bệnh nan y liên quan đến thực phẩm ngày càng tăng.

Cách lấy mẫu ảnh hưởng lớn đến kết quả

Tại sao cùng lấy mẫu thực phẩm, nhưng kết quả kiểm định ở các cơ sở khác nhau có thể trái ngược? PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh - Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm - Đại học Bách khoa Hà Nội - cho biết có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến sự chính xác của việc kiểm nghiệm: Cách lấy mẫu, chia mẫu, cách phân tích, chất lượng phòng thí nghiệm và thiết bị phân tích...

“Nếu lấy mẫu tào lao sẽ không thể nào chuẩn xác được. Trên cùng một cây rau, nếu phân tích mẫu ở 3 vị trí thì sẽ cho 3 kết quả khác nhau, bởi lượng hoá chất tích luỹ ở từng vị trí không giống nhau. Khi cây rau vừa được phun hoá chất thì phần ngọn tích luỹ chất độc nhiều nhất, nhưng nếu phun lâu rồi thì chất độc có rất ít ở ngọn - là phần mới mọc dài thêm” - ông Thịnh giải thích.

Kiểm nghiệm an toàn thực phẩm tại Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội (ảnh chụp tháng 4/2016). Ảnh: Anh Tuấn
Kiểm nghiệm an toàn thực phẩm tại Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội (ảnh chụp tháng 4/2016).
Ảnh: Anh Tuấn

Do đó, để không làm sai lệch kết quả, trên cùng một cây rau, một ruộng rau phải lấy mẫu ở nhiều vị trí. Diện tích càng lớn càng cần lấy nhiều mẫu. Các mẫu lấy xong phải được trộn lẫn rồi thái nhỏ, chia đều trước khi mang đi phân tích. Nếu muốn theo dõi tình hình nhiễm hóa chất thực vật ở trên một vùng nhất định, người ta phải lấy mẫu nhiều ngày, nhiều mẫu, sau đó lấy số trung bình.

Với việc phát hiện chất cấm trong chăn nuôi, để xác định vị trí lấy mẫu cần biết chất độc sẽ tích lũy ở bộ phận nào nhiều nhất. Chẳng hạn, nếu nó tích luỹ ở gan thì lấy các mẫu ở gan trộn đều và phân tích. Nếu chất độc có mặt ở nhiều bộ phận, cần lấy mẫu ở nhiều vị trí để xét nghiệm và lấy con số trung bình. Để xác định hàm lượng chất cấm, phải lấy nhiều mẫu, phân tích từng vị trí và tính giá trị trung bình.

Máy xịn, nhưng con người có thể tạo sai số

Để đảm bảo kết quả, phòng thí nghiệm phải được công nhận là đạt chuẩn, thiết bị phân tích phải được kiểm định và người thực hiện phân tích cũng phải chuẩn.

Pha môi trường hàng hóa, thực phẩm tại Trung tâm chiếu xạ Hà Nội. Ảnh: Anh Tuấn
Pha môi trường hàng hóa, thực phẩm tại Trung tâm chiếu xạ Hà Nội. Ảnh: Anh Tuấn

Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Duy Thịnh, các yếu tố này ở Việt Nam hiện vẫn có nhiều hạn chế. Do đó theo ông, để cải thiện hệ thống kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, việc đào tạo kỹ thuật viên phải đi đôi với việc xây dựng phòng thí nghiệm và thiết bị hiện đại.

Lấy ví vụ về máy phân tích hàm lượng kháng sinh, máy có khả năng phân tích chính xác đến 1 phần tỷ rất đắt và cũng yêu cầu trình độ kỹ thuật viên rất cao so với loại máy có độ chính xác chỉ 1 phần triệu, 1 phần nghìn.

Theo PGS- TS Trần Hồng Côn - khoa Hoá học, Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội), hiện Việt Nam đã có nhiều máy kiểm tra rất chính xác nồng độ các chất độc trong thực phẩm. Tuy nhiên, máy vẫn chỉ là máy, còn kết quả đúng hay sai tuỳ thuộc vào cả quá trình thực hiện, với 6 khâu: Lấy mẫu - bảo quản mang về phòng thí nghiệm - xử lý mẫu - phân tích mẫu - xử lý kết quả - thông báo kết quả. Một trong 6 bước này sai thì kết quả sẽ sai.

Theo TS Côn, quy trình kiểm định thực phẩm hết sức ngặt nghèo, khắt khe và tốn kém nên việc tổ chức thực hiện không dễ dàng: “Người dân không thể làm việc này được. Nhà chức trách phải đưa công việc này vào các phòng thí nghiệm quốc gia hoặc phòng thí nghiệm của Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng - nơi có đầy đủ máy móc, nhân sự và quy trình đạt chuẩn. Điều đó đồng nghĩa với việc khi ra chợ mua thực phẩm, người dân không có cách nào phát hiện đâu là thực phẩm an toàn”.