"Chúng ta đã có cán bộ dân số cấp xã nhưng ở khía cạnh chất lượng thực phẩm và môi trường không khí, tôi chưa thấy xuất hiện một người có trách nhiệm như vậy ở tuyến này" - GS-TS Phạm Huy Dũng cho biết.
Chúng ta rất chủ quan trong chuyện ăn uống và sức khoẻ đang phải trả giá cho điều đó. Một số học trò của tôi khi làm điều tra để nghiên cứu về đề tài dinh dưỡng, thực phẩm bán ở chợ và các nơi khác đã ghi nhận một thực tế đáng lo ngại rằng: Ở những cửa hàng phục vụ trại gà hay chăn nuôi nói chung, mỗi khi bán một bao thức ăn cho gia súc, người ta lại biếu thêm một gói thuốc có tác dụng làm gia súc tăng trưởng nhanh mà thành phần và tác hại của nó không thể kiểm soát.
Để ngăn chặn thực phẩm độc hại, theo tôi trong công tác thanh tra nên mở rộng hoạt động và quyền hạn của các khu phố. Hãy dành ra những người chuyên làm công tác này ở khu phố, giao thêm trách nhiệm cho họ trong vấn đề kiểm soát thực phẩm bẩn vì đời sống của con người.
Những câu chuyện liên quan đến an toàn thực phẩm hay chất lượng không khí nên làm sâu tới cấp phường, cấp xã, có như vậy nó mới đi vào đời sống con người. Chúng ta đã có cán bộ dân số cấp xã nhưng ở khía cạnh chất lượng thực phẩm và môi trường không khí, tôi chưa thấy xuất hiện một người có trách nhiệm như vậy ở tuyến này. Chúng ta không cần thêm người, chỉ cần tăng trách nhiệm với một cán bộ, có sự kiểm tra, kiểm điểm nghiêm túc, nếu không làm được thì cách chức.
Hiện nay khi nói chuyện thực phẩm bẩn hay ô nhiễm, ai cũng thấy đó như là trách nhiệm của người khác, lỗi của người khác, trong khi mỗi con người đều phải có trách nhiệm bảo vệ chính mình và cộng đồng trước nguy cơ này, phải thấy vấn đề đó quan trọng ra sao. Nếu cá nhân nào có hành động gây nguy hiểm cho cộng đồng thì phía an ninh hoặc chính quyền phải có ý kiến ngay. Bởi những hành vi gây mất an toàn thực phẩm hay không khí không gây chết người tức khắc, nhưng về lâu dài sẽ dẫn đến bệnh tật và thậm chí cả cái chết.
Lâm Bình (ghi)