Theo công bố của Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung khi tiếp xúc với cử tri quận Hoàn Kiếm hồi tháng 8, việc dừng cắt cỏ sẽ giúp tiết kiệm cho ngân sách thành phố khoảng 700 tỷ đồng mỗi năm.
Chỉ riêng phí cắt cỏ cho 24km đại lộ Thăng Long đã tốn 53 tỷ đồng/năm. Con số này càng trở nên khổng lồ nếu so với mức phí 134USD/tháng mà Hội đồng thành phố Paris chi để thuê 1 con cừu cắt cỏ; và chỉ cần 4 con làm việc trong 45 ngày đã “cắt” hết cỏ ở một công viên rộng 2.000m2.
Thảm cỏ ở đại lộ Thăng Long có bò bê vào gặm, nhưng đây là việc nằm ngoài ý muốn của cơ quan quản lý. Ảnh: Lê Hiếu
Theo TS Nguyễn Nguyên Cương - Giám đốc Trung tâm Giáo dục và Truyền thông môi trường, Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, cắt cỏ trong thành phố bằng bò, lừa, cừu, dê là giải pháp tốt, tạo điều kiện cho con người gần gũi với thiên nhiên, giảm ô nhiễm môi trường (tiếng ồn, bụi, khói xăng dầu… do dùng máy móc), tiết kiệm chi phí nhân công.
Tuy nhiên, việc áp dụng nó tại Việt Nam ở thời điểm này không khả thi. “Hiện nay, đô thị của Việt Nam không có những khu vực rộng với thảm cỏ mà chỉ có những thảm cỏ ven đường. Đối với riêng Hà Nội, diện tích cây xanh, thảm cỏ rất thấp, chỉ có trên dưới 1m2/người, trong khi đó mức bình quân của thế giới là từ 40-60m2/người. Không gian rất chật hẹp nên các loài động vật bốn chân khó thực hiện nhiệm vụ cắt cỏ” - TS Cương lý giải.
“Đối với các nước phát triển như Mỹ, Anh, Pháp, Đức…, con người và thiên nhiên, động vật sống rất gần nhau. Vì vậy, việc thuê các đàn cừu, dê, bò... để cắt cỏ rất dễ thực hiện; còn ở Việt Nam không được như thế, chưa kể nếu sử dụng bò, dê thì phải cắt cử người trông nom, quản lý vì rất dễ bị mất”.
Ngoài ra, vị Giám đốc Trung tâm Giáo dục và Truyền thông môi trường cũng cảnh báo rằng việc dùng động vật 4 chân để cắt cỏ (chủ yếu là thảm cỏ ven đường) không an toàn cho gia súc và người dân, vì những con vật này có thể chạy ra đường, gây tai nạn giao thông.
“Theo tôi, cắt cỏ đô thị là công việc không cần cơ quan quản lý nhà nước đảm nhiệm mà nên giao khoán cho địa phương (phường, xã, tổ dân phố hoặc quận, huyện dọc theo tuyến đường có cỏ). Các nước như Singapore, Malaysia, Thái Lan thường dùng lao động công ích (người vi phạm luật pháp mức độ nhẹ như vi phạm luật giao thông, luật môi trường, vứt rác, hút thuốc nơi công cộng) cho công việc đơn giản này. Đây là việc làm cần có cộng đồng cùng tham gia, cần xã hội hóa và minh bạch thông tin như thuê khoán theo diện tích, tuyển lao động để mọi người dân được biết” - TS Cương chia sẻ.