Đúp mấy lần mới học hết lớp 5, không qua lớp đào tạo nghề nào, nhưng sự nhạy bén kỳ lạ với nghề cơ khí giúp ông Vũ Văn Dung (xã Yên Mạc, Yên Mô, Ninh Bình) trở thành tác giả của nhiều loại máy nông nghiệp như máy tời lúa kết hợp với máy bơm, máy cấy không động cơ…

Học không cao, “hành” rất giỏi

“Ít ai nghĩ rằng 18 tuổi tôi mới học hết lớp 5. Tôi đúp 3 năm lớp 3, đúp 2 năm lớp 5. Thế nhưng riêng môn toán thì tôi học giỏi, lại có khả năng bắt chước rất tốt. Nhìn một người đang làm gì đó, lập tức tôi có thể làm theo. Có lẽ đó là tố chất nổi bật theo tôi đến bây giờ” - ông Dung bắt đầu câu chuyện cuộc đời mình như thế.

Ông Vũ Văn Dung bên chiếc máy cấy không động cơ tự sáng chế. Ảnh: Mạnh Hải
Ông Vũ Văn Dung bên chiếc máy cấy không động cơ tự sáng chế. Ảnh: Mạnh Hải

Thời trẻ, chàng trai Vũ Văn Dung lang bạt khắp nơi, lên tận Tuyên Quang, Sơn La, Lai Châu… làm đủ nghề như thợ mộc, nung vôi, lái xe công nông, đấu thầu núi làm đá, lắp ráp máy móc công trình… Với nghề nào ông cũng sống tốt bởi sự năng động và khả năng học hỏi rất nhanh. Với mỗi nhóm thợ, ông cũng chỉ mất một thời gian ngắn để từ vị trí học việc lên dẫn đầu. “Các cụ bảo “một nghề thì sống, đống nghề thì chết”, nhưng tôi vẫn sống khỏe với tất cả những nghề đã làm” - lão nông tự hào nói.

Năm 37 tuổi, khi ông quyết đinh chuyển sang học nghề sửa xe máy, gia đình, bạn bè ai cũng gàn vì cho rằng bắt đầu học một nghề hoàn toàn mới khi sắp tứ tuần là mạo hiểm; nhưng ông vẫn quyết làm theo ý mình và chỉ trong 3 tháng đã học hết ngón nghề của các “sư phụ”.
“Hôm đó tôi đang ngồi ở nhà thì thầy xuống tìm, báo có chiếc xe máy sửa mãi không được. Tôi bảo anh là thầy còn bó tay thì tôi làm sao nổi. Nói vậy nhưng tôi vẫn qua cửa hàng sửa, một lúc là xong” - ông Dung kể. Tiếng lành đồn xa, nhiều cửa hàng sửa xe máy tranh nhau thuê ông. Nhưng ông chỉ làm cho mỗi nơi mấy ngày, cùng lắm nửa tháng, ở đâu cũng chú tâm học ngón nghề riêng của thợ cả ở đó. Ông cười khà khà thừa nhận, do khả năng “ăn cắp nghề” quá nhanh này, các “sư phụ” đặt cho ông biệt danh là “Dung lưu manh”.

Sửa xe máy là nghề gắn bó với nhà sáng chế nông dân này lâu nhất - tới 18 năm, và cũng mang lại cho ông kiến thức về cơ khí, làm cơ sở cho việc chế tạo máy móc sau này.

Biến đồ bỏ đi thành máy nông nghiệp

Trong thời gian làm chủ cửa hàng sửa xe máy, ông Vũ Văn Dung nhận thấy xe máy Trung Quốc bị hỏng phải sửa rất nhiều, cộng với nỗi canh cánh vì vợ con, láng giềng làm ruộng quá vất vả, ông nghĩ tại sao mình không tận dụng phụ tùng xe máy hỏng để chế máy nông nghiệp.

Ý tưởng về chiếc máy tời lúa xuất hiện trong một lần ông thăm ruộng năm 2010. Thấy người dân dùng máy của Trung Quốc với dây curoa rất nặng nề và thô sơ để chuyển lúa từ ruộng vào bờ, ông nghĩ mình cần làm ra một thiết bị tốt hơn, tận dụng động cơ, hệ thống nhông xích, bình xăng, ốc… của xe máy cũ. Bỏ đi làm lại nhiều lần, sau 2-3 tháng, chiếc máy đa năng kết hợp tời lúa và bơm nước ra đời. Thiết bị tời này có cấu tạo đơn giản, gồm động cơ xe máy cũ, dây cáp, bình xăng, hết vụ gặt thì lắp ống dẫn để thành máy bơm. Thiết bị dùng được cho cả đồng cạn và đồng sâu, vùng chiêm trũng.

Ông Vũ Xuân Công - thôn Đông Thôn, Yên Thái, Yên Mô - cho biết: “Nhà tôi có 4 sào, ruộng cách xa bờ 198m, khi chưa có máy tời phải huy động 4 người, mất trọn một ngày mới vác được hết lúa lên bờ. Từ ngày có máy tời của ông Dung, với 3 người bốc và 1 người điều khiển, chỉ khoảng 20 phút là xong. Lượng xăng tiêu thụ chỉ khoảng 1 chén con”.

Năm 2014, ông Dung cho ra đời máy cấy lúa không động cơ. “Ban đầu mọi người đều cho là tôi không bình thường bởi máy móc thì phải có động cơ, máy cấy của tôi không động cơ thì hoạt động sao được” - nhà sáng chế không chuyên kể. Mặc kệ những lời bàn ra, ông vẫn bắt tay thực hiện. Chiếc máy cấy không động cơ làm từ các phụ tùng xe máy hỏng ra đời, với ưu điểm là không tốn nhiên liệu, mạ cấy thẳng hàng, khoảng cách giữa các gốc mạ được ổn định.

Hiệu suất gấp 6-7 lần sức người

Nói về hiệu suất của máy tời kết hợp với máy bơm nước, ông Đoản Văn Cảo - xóm 1, Đông Yên, Yên Lâm, Yên Mô - cho biết: “Với 1 mẫu ruộng, 10 người vác lúa trong 1 ngày không hết nhưng với máy tời này thì chỉ cần 4 người, trong buổi sáng là xong”.

Hơn 6 năm kể từ khi sáng chế thiết bị này, ông Dung đã bán được trên 1.000 chiếc với giá hơn 3 triệu đồng - mức giá mà hộ nông dân nào cũng có thể đáp ứng. Sản phẩm đã có mặt ở nhiều tỉnh, thành như Ninh Bình, Nam Định, Nghệ An, Thanh Hóa, Tuyên Quang… “Hiện có người ở Hàm Yên, Tuyên Quang đặt tôi làm 6 cái mà tôi chưa đủ nguyên liệu để sản xuất. Phần lớn máy của tôi đều do người dùng giới thiệu cho nhau chứ không quảng cáo gì hết” - ông Dung hào hứng nói.

Về hiệu suất máy cấy không động cơ, ông đưa ra phép so sánh: Mỗi ngày 1 người cấy giỏi chỉ hoàn thành được 1 sào, nhưng với máy cấy của ông mỗi giờ làm được 1 sào, tính ra gấp 6-7 lần sức người. Máy cấy này lại có thể tháo lắp, chỉ nặng 20kg nên dễ vận chuyển, có thể sử dụng trên nhiều loại đồng đất, kể cả vùng trũng - nơi không dùng được máy cấy hiện đại có động cơ do lún, sụt. Đã có hơn 40 chiếc máy cấy không động cơ được bán, chủ yếu phân phối ở Thanh Hóa, Nghệ An.

Ngoài việc sáng chế, ông Dung cũng cải tiến nhiều thiết bị nông nghiệp khác giúp công việc nhà nông được nhàn hạ hơn, chẳng hạn như máy cắt cỏ, máy bơm, máy cắt bí. Dự định mấy năm nữa sẽ tự cho mình nghỉ hưu, ông Dung đặt kế hoạch chế tạo thêm một số máy móc khác. “Sắp tới đây sẽ là máy gieo vãi lúa tự động” - ông nói.