Trong lịch sử, khi Marie Antoinette bị bắt trong Cách mạng Pháp, tóc của bà đã bị bạc màu qua một đêm và sau này giới nghiên cứu đã gọi hội chứng tóc đột ngột bạc màu trong thời gian rất ngắn do căng thẳng là hội chứng Marie Antoinette.

Trong một thời gian dài, chúng ta đã biết nhiều câu chuyện cho thấy có mối liên hệ giữa căng thẳng với hiện tượng tóc bạc nhanh. Nhưng căn nguyên khoa học nằm ở đâu?

Cơ chế đột ngột bạc màu trên lông của chuột.
Cơ chế đột ngột bạc màu trên lông của chuột.

Bây giờ, lần đầu tiên các nhà khoa học của Đại học Harvard đã phát hiện ra chính xác quá trình này diễn ra như thế nào: stress kích hoạt các dây thần kinh là một phần của phản ứng ‘chiến đấu-hay-bỏ chạy’ trong cơ thể (fight-or-flight response. Phản ứng chiến đấu-hay-bỏ chạy là một phản ứng sinh lý xảy ra trong khi cơ thể cảm nhận về một sự kiện đe dọa, tấn công, hay nguy hiểm đến sự sống còn, giúp điều chỉnh đáp ứng với stress). Từ đó gây ra những tổn thương vĩnh viễn cho các tế bào gốc tái tạo sắc tố trong nang tóc. Nghiên cứu này được công bố trên tạp chí Nature, bổ sung và nâng cao kiến ​​thức của các nhà khoa học về cách stress có thể tác động đến cơ thể.

“Mọi người đều có giai thoại để chia sẻ về sự ảnh hưởng của stress đến cơ thể của họ, đặc biệt là ở da và tóc. Đó là những mô duy nhất chúng ta có thể nhìn thấy từ bên ngoài”, Ya-Chieh Hsu, giáo sư ở Tế bào gốc và Sinh học tái tạo Harvard”, tác giả của công bố trên Nature, chia sẻ. “Chúng tôi muốn hiểu liệu kết nối này có đúng không? Và nếu vậy, stress dẫn đến sự thay đổi của các mô khác nhau như thế nào? Sắc tố tóc là một hệ dễ tiếp cận và điều khiển. Bên cạnh đó, chúng tôi thực sự tò mò muốn xem liệu thực sự stress có dẫn đến tóc bạc màu hay không. “

Truy tìm thủ phạm

Vì stress ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể, trước tiên các nhà nghiên cứu phải thu hẹp hệ thống cơ thể nào chịu trách nhiệm kết nối stress với màu tóc. Đầu tiên, nhóm nghiên cứu đưa ra giả thuyết rằng stress gây ra một cuộc tấn công miễn dịch vào các tế bào sản xuất sắc tố. Tuy nhiên, khi những con chuột thiếu tế bào miễn dịch vẫn cho thấy màu lông bạc đi, các nhà nghiên cứu đã chuyển sang hormone cortisol. Nhưng một lần nữa, họ đã thất bại.

“Stress luôn làm tăng nồng độ hormone cortisol trong cơ thể, vì vậy chúng tôi nghĩ rằng cortisol có thể đóng một vai trò nào đó”, Hsu nói. “Nhưng thật đáng ngạc nhiên, khi chúng tôi loại bỏ tuyến thượng thận khỏi chuột để chúng không thể sản xuất hormone như cortisol, lông của chúng vẫn chuyển sang màu xám khi bị stress.”

Sau khi loại bỏ một cách có hệ thống các khả năng khác nhau, các nhà nghiên cứu đã xem xét hệ thống thần kinh giao cảm, thứ chịu trách nhiệm cho phản ứng “chiến đấu hay bỏ chạy” của cơ thể.

Các dây thần kinh giao cảm phân nhánh ra từng nang lông trên da. Họ phát hiện ra rằng stress làm cho các dây thần kinh này giải phóng chất hóa học tên là norepinephrine, được đẩy lên ngay bên cạnh các tế bào gốc tái tạo sắc tố gần đó.

Thiệt hại vĩnh viễn

Trong nang lông, một số tế bào gốc hoạt động như một “kho chứa” các tế bào sản xuất sắc tố. Khi tóc tái tạo, một số tế bào gốc chuyển đổi thành tế bào sản xuất sắc tố và tạo màu cho tóc.

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng norepinephrine từ các dây thần kinh giao cảm khiến các tế bào gốc kích hoạt quá mức. Kết quả là khiến chúng đều chuyển đổi thành các tế bào sản xuất sắc tố, làm cạn kiệt sớm “kho chứa” trên.

“Khi chúng tôi bắt đầu nghiên cứu, tôi đã dự đoán rằng stress có hại cho cơ thể - nhưng tác động bất lợi của stress mà chúng tôi phát hiện ra vượt quá những gì tôi tưởng tượng được”, Hsu nói. “Chỉ sau vài ngày, tất cả các tế bào gốc tái tạo sắc tố đã bị mất. Một khi chúng biến mất, bạn không thể tái tạo sắc tố nữa. Thiệt hại là vĩnh viễn.”

Các nhà nghiên cứu cho biết phát hiện này nhấn mạnh các tác dụng phụ của một phản ứng tiến hóa bảo vệ. “Stress cấp tính, đặc biệt là phản ứng chiến đấu hay bỏ chạy, được xem là có lợi cho sự sống sót của động vật. Nhưng trong trường hợp này, căng thẳng cấp tính gây ra sự suy giảm vĩnh viễn các tế bào gốc”, Bing Zhang, tác giả chính của nghiên cứu nói.

Trả lời câu hỏi cơ bản

Để giải quyết, các nhà nghiên cứu bắt đầu với phản ứng toàn thân và tập trung dần vào các hệ cơ quan riêng lẻ, tương tác giữa tế bào với tế bào và cuối cùng, tất cả đều chuyển sang mức độ phân tử. Quá trình này đòi hỏi một loạt các công cụ nghiên cứu, bao gồm các phương pháp để thao túng các cơ quan, dây thần kinh và thụ thể tế bào.

“Để đi từ cấp độ cao nhất đến chi tiết nhỏ nhất, chúng tôi đã hợp tác với nhiều nhà khoa học trên nhiều lĩnh vực, sử dụng kết hợp các phương pháp khác nhau để giải quyết chỉ một câu hỏi sinh học rất cơ bản”, Zhang nói.

Các cộng tác viên bao gồm Isaac Chiu, trợ lý giáo sư miễn dịch tại Trường Y Harvard, người nghiên cứu sự tương tác giữa hệ thống thần kinh và miễn dịch.

“Chúng tôi biết rằng các tế bào thần kinh ngoại biên điều chỉnh mạnh mẽ chức năng cơ quan, mạch máu và khả năng miễn dịch, nhưng ít được biết về cách chúng điều chỉnh các tế bào gốc”, Chiu nói.

“Với nghiên cứu này, giờ đây chúng ta biết rằng tế bào thần kinh có thể kiểm soát tế bào gốc và chức năng của chúng, và có thể giải thích cách chúng tương tác ở cấp độ tế bào và phân tử để liên kết stress với tóc bạc.”

Những phát hiện có thể giúp làm sáng tỏ những tác động rộng lớn của stress lên các cơ quan và mô khác nhau. Sự hiểu biết này sẽ mở đường cho các nghiên cứu mới tìm cách sửa đổi hoặc ngăn chặn các tác động gây hại của stress.

“Bằng cách hiểu chính xác làm thế nào stress ảnh hưởng đến các tế bào gốc tái tạo sắc tố, chúng tôi đã đặt nền tảng để hiểu làm thế nào stress ảnh hưởng đến các mô và cơ quan khác trong cơ thể,” Hsu nói. “Hiểu cách các mô của chúng ta thay đổi khi bị stress là bước quan trọng đầu tiên đối với việc điều trị ngăn chặn hoặc hoàn nguyên tác động bất lợi của stress. Chúng ta vẫn còn nhiều điều phải học trong lĩnh vực này.”