Bệnh tay chân miệng là mối nguy hại đới với trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 3 tuổi. Bệnh rất dễ lây lan và chỉ có thể phòng tránh, chưa có thuốc ngừa cũng như thuốc đặc trị. Vậy dấu hiệu nhận biết và cách chăm sóc trẻ bị chân tay miệng như thế nào?
Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người, dễ gây thành dịch do virus đường ruột gây ra. Hai nhóm tác nhân gây bệnh thường gặp là Coxsackie virus A16 và Enterovirus 71 (EV71). Bệnh lây chủ yếu theo đường tiêu hoá. Nguồn lây chính từ nước bọt, phỏng nước và phân của trẻ nhiễm bệnh.
Bệnh chân tay miệng thường gặp ở trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 3 tuổi.
Bệnh tay chân miệng gặp rải rác quanh năm ở hầu hết các địa phương. Tại các tỉnh phía Nam, bệnh có xu hướng tăng cao vào hai thời điểm từ tháng 3 đến tháng 5 và từ tháng 9 đến tháng 12 hàng năm.
Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt tập trung ở nhóm tuổi dưới 3 tuổi. Các yếu tố sinh hoạt tập thể như trẻ đi học tại nhà trẻ, mẫu giáo, đến các nơi trẻ chơi tập trung là các yếu tố nguy cơ lây truyền bệnh, đặc biệt là trong các đợt bùng phát.
Những dấu hiệu nhận biết bệnh chân tay miệng
- Giai đoạn khởi phát: Từ 1-2 ngày với các triệu chứng như sốt nhẹ, mệt mỏi, đau họng, biếng ăn, tiêu chảy vài lần trong ngày.
Các triệu chứng thường gặp của bệnh chân tay miệng.
- Giai đoạn toàn phát: Có thể kéo dài 3-10 ngày với các triệu chứng điển hình của bệnh:
+ Loét miệng: vết loét đỏ hay phỏng nước đường kính 2-3 mm ở niêm mạc miệng, lợi, lưỡi, gây đau miệng, bỏ ăn, bỏ bú, tăng tiết nước bọt.
+ Phát ban dạng phỏng nước: Ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông. Những nốt phỏng này tồn tại trong thời gian ngắn (dưới 7 ngày). Sau đó, có thể để lại vết thâm, rất hiếm khi loét hay bội nhiễm.
+ Sốt nhẹ.
+ Nôn.
* Lưu ý: Trong giai đoạn này, nếu trẻ sốt cao và nôn nhiều có nguy cơ sẽ xảy ra nhiều biến chứng thần kinh, tim mạch, hô hấp.
- Giai đoạn lui bệnh: thường từ 3-5 ngày sau, trẻ hồi phục hoàn toàn không để lại biến chứng.
Cách chăm sóc trẻ mắc bệnh chân tay miệng
- Khi thấy trẻ có những dấu hiệu sốt hay nổi bóng nước ở bàn tay bàn chân, nên đưa trẻ đi khám ngay.
Khi thấy trẻ có những dấu hiệu sốt hay nổi bóng nước ở bàn tay bàn chân, nên đưa chúng đi khám ngay.
- Nếu trẻ được chẩn đoán mắc bệnh tay chân miệng, cần cách ly trẻ ngay và thông báo cho địa phương để có biện pháp khử khuẩn môi trường xung quanh, hạn chế tối đa khả năng lây lan bệnh tạo nên ổ dịch.
- Nếu trẻ đang đi học, ngoài địa phương, cha mẹ còn cần thông báo cho trường học để nhà trường cũng có biện pháp vệ sinh, khử khuẩn trường lớp kịp thời, thậm chí cho học sinh nghỉ học tạm thời nếu có nhiều trẻ bị biến chứng nặng.
- Trong mọi trường hợp, cần tuân thủ yêu cầu của bác sĩ. Nếu bác sĩ xác định bệnh ở thể nhẹ thì cho bé về nhà theo dõi và nhất thiết phải tái khám theo lịch hẹn. Nếu bác sĩ cân nhắc thấy cần nhập viện, hãy nhập viện ngay để trẻ được theo dõi tại bệnh viện.
- Khi trẻ bệnh, phải có chế độ chăm sóc hợp lý. Không nên kiêng tắm, ngược lại phải giữ vệ sinh sạch sẽ cho trẻ, tắm trong phòng kín gió với xà phòng sát khuẩn (sữa tắm có thể không đủ khả năng diệt khuẩn). Nên vệ sinh răng lưỡi cho trẻ hằng ngày. Với trẻ lớn, cho trẻ súc miệng bằng nước muối.
- Về dinh dưỡng, cho trẻ ăn đầy đủ các nhóm chất, uống sữa, ăn cháo bình thường, tăng cường uống nước hoa quả để bổ sung vitamin cho trẻ.