Vi khuẩn Hp (Helicobacter pylori) là nguyên nhân chính gây ra viêm loét dạ dày tá tràng và cũng là tác nhân nhóm I của ung thư dạ dày carcinom. Bài viết này sẽ chỉ ra nguyên nhân, cách phòng lây nhiễm vi khuẩn Hp.

Năm 1982, hai bác sĩ Austraylia là Warren và Marshall đã tìm ra vi khuẩn Helicobacter pylori. Có thể nói, đây là một cuộc cách mạng trong Y học nửa cuối thế kỉ XX. Trước khi tìm ra Hp, nhiều chuyên gia y tế cho rằng, nguyên gây ra viêm loét dạ dày tá tràng chỉ là do sự mất cân bằng giữa các yếu tố sinh loét và các yếu tố bảo vệ.

Sau khi phát hiện ra Hp, các nhà nghiên cứu đã chứng minh ra rằng, loại vi khuẩn này nguyên nhân chính gây ra viêm loét dạ dày tá tràng và là tác nhân nhóm I của ung thư dạ dày carcinom. Thế nên, phòng tránh nhiễm vi khuẩn Hp đóng vai trò quan trọng trong phòng tránh viêm loét dạ dày tá tràng.

Con đường lây nhiễm Hp

Vi khuẩn Hp chính là nguyên nhân chính gây ra bệnh viêm loét dạ dày tá tràng.

Cũng giống như các bệnh truyền nhiễm qua đường tiêu hóa khác, con đường lây nhiễm của vi khuẩn Hp thông qua ăn, uống, hơi thở… Vi khuẩn Hp thường khu trú trong cao răng, niêm mạc miệng, niêm mạc dạ dày của người bệnh và được thải ra ngoài qua phân hoặc các dịch nôn ói.

Bên cạnh đó, vi khuẩn Hp có thể lây truyền từ người này sang người khác qua các tiếp xúc trực tiếp giữa miệng người và miệng người khác qua hành động như hôn, mớm thức ăn… Các bác sĩ nha khoa và bác sĩ nội soi cũng có thể bị lây nhiễm khi thường xuyên phải tiếp xúc với các bệnh phẩm như cao răng, dịch vị… của bệnh nhân.

Vệ sinh môi trường kém, nguồn nước bị ô nhiễm chính là nguyên nhân lớn nhất gây nhiễm Hp. Theo PGS. TS Trần Thiện Trung (ĐH Y dược Thành phố Hồ Chí Minh), tại các nước phát triển, điều kiện vệ sinh tốt, tỷ lệ nhiễm Hp vào khoảng 25-35%. Trong khi đó, tại các nước đang phát triển, điều kiện vệ sinh còn kém nên tỷ lệ nhiễm Hp vào khoảng 40-75%.

Phòng ngừa lây nhiễm Hp

Điều kiện vệ sinh kém là nguyên nhân lây nhiễm Hp. Ảnh minh hoạ.

- Vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm là yếu tố rất cần thiết trong việc phòng ngừa nhiễm Hp.

- Sử dụng nước sạch trong sinh hoạt và trong ăn uống. Tránh tình trạng sử dụng nước trong ao, hồ, bởi vi khuẩn Hp có thể tồn tại trong nước khoảng 3 ngày. Theo PGS. TS Trần Thiện Trung, tại Peru, trẻ em uống nước bên ngoài có tỷ lệ nhiễm Hp cao gấp 3 lần so với trẻ em uống nước máy.

- Xử lý kỹ các bệnh phẩm của bệnh nhân như cao răng, dịch nôn ói, phân…, vì đây chính là nguồn vi khuẩn lây nhiễm nhiều nhất.

- Đối với các bệnh nhân bị viêm loét dạ dày tá tràng cần được làm các chẩn đoán xem họ có bị nhiễm vi khuẩn Hp không. Nếu có, họ cần phải tiến hành điều trị bằng các phác đồ tiệt trừ Hp.