Quai bị là căn bệnh thường gặp ở trẻ em. Bệnh sẽ không nghiêm trọng khi người bệnh tuân thủ tốt việc điều trị, kiêng và cách ly để tránh lây nhiễm. Vậy bệnh quai bị có dễ lây lan không? Cách phòng tránh như thế nào?

Quai bị là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Paramyxovirus gây ra, thường xảy ra chủ yếu ở trẻ em. Độ tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao nhất thường là 5-9 tuổi. Tuy nhiên, bệnh vẫn có thể xảy ra ở bất cứ độ tuổi nào.

Bệnh quai bị thường xảy ra ở trẻ em.

Quai bị được lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp, tuyến nước bọt khi tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với người bệnh. Do sự lây lan dễ dàng và nhanh chóng nên quai bị có thể bùng phát thành những trận dịch lớn, đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe của nhiều người, nhất là ở các trường học, nơi trẻ em thường xuyên tiếp xúc, tập trung.

Biểu hiện đầu tiên của bệnh là tình trạng sưng đau tuyến nước bọt mang tai, lúc đầu sưng một bên sau lan sang cả 2 bên kèm theo các triệu chứng khác như sốt cao, người mệt mỏi, đau nhức mỗi khi nuốt nước bọt, amidan sưng to…

Quai bị lây lan chủ yếu qua đường hô hấp.

Quai bị có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm màng não, viêm tinh hoàn, viêm buồng trứng… và đặc biệt có thể dẫn đến vô sinh.

Sau đây là một số nguyên tắc phòng bệnh quai bị được áp dụng trong cộng đồng:

- Người bệnh phải nghỉ ngơi ở nhà, không đi làm, không đi học hay đến những nơi đông người. Thời gian cách ly người bệnh trong khoảng 10 ngày kể từ khi bắt đầu sưng tuyến mang tai.

- Hạn chế tiếp xúc với người bệnh, khi tiếp xúc phải mang khẩu trang.

- Vệ sinh cá nhân và nhà cửa:

Mang khẩu trang cho trẻ để đề phòng lây nhiễm quai bị trong cộng đồng.

+ Không sử dụng chung các dụng cụ ăn uống.

+ Thường xuyên lau sạch sàn nhà, bàn ghế, rửa sạch các đồ chơi của trẻ.

+ Rửa tay nhiều lần bằng xà phòng trong ngày, nhất là sau khi đi vệ sinh và trước khi ăn.

+ Che miệng khi ho, khi hắt hơi, sau đó phải rửa tay ngay bằng xà phòng.

- Thực hiện tiêm phòng vắc xin để phòng bệnh chủ động.