Để có những miếng thạch ngon mát, an toàn từ nguyên liệu là cây thạch đen khô của huyện Tràng Định (Lạng Sơn), bạn cần chuẩn bị thêm nước sạch, một ít bột gạo tẻ và nước tro.

Cận cảnh cây thạch đen Tràng Định.

Cây thạch đen là loài thực vật thân thảo thấp, sinh trưởng cả hữu hạn và vô hạn, có nhựa kết thạch trong nước, được dùng để làm thức uống giải khát. Hiện cây được trồng nhiều ở vùng núi phía bắc nước ta như Tràng Định - Lạng Sơn, Thạch An - Cao Bằng, Na Rì - Bắc Kạn.


Người dân Tràng Định thu hoạch thạch đen khi cây xuất hiện nụ hoa ở ngọn - thời điểm cho năng suất cao nhất. Họ cắt sát gốc, thân và lá, mang về phơi nắng nhẹ một ngày rồi đánh đống, sau 1- 2 ngày mới đem ra phơi tiếp khoảng 2 - 3 ngày nữa cho khô. Thường 10kg thân lá thạch tươi thì thu được 1kg thân lá thạch khô.


Để tạo ra món thạch đen hấp dẫn mà chúng ta thường ăn, bạn có thể ghi nhớ công thức sau: Cứ 1kg cây thạch khô cần 30 lít nước, 2,2 - 2,5kg bột gạo tẻ, nước tro từ 1 thìa cà phê tro. Trước hết, cần rửa sạch cây thạch khô, cho vào nồi nước nấu trong vòng 3 giờ.


Bước tiếp theo là cho bột gạo tẻ vào, đặt lên bếp khuấy trong khoảng 1 giờ, sau đó thêm ít nước tro để thạch nhanh đông rồi đổ ra hộp đựng. Khi ăn, thái miếng nhỏ cho vào cốc, thêm nước đường, tinh dầu thơm như các loại thạch khác, hoặc sáng tạo các công thức riêng tùy thích.

Mới đây, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể (NHTT) đối với cây thạch đen của huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn cho Hội Sản xuất và Kinh doanh thạch đen huyện Tràng Định.

Thạch đen Tràng Định có hương vị đặc trưng, thơm ngon. Diện tích trồng cây thạch đen hằng năm của huyện ổn định từ 1.000ha đến 1.500ha trên tất cả 23 xã, thị trấn. Chính quyền địa phương đang tích cực quảng bá và giới thiệu đặc sản thạch đen một các rộng rãi với mong muốn người tiêu dùng trong cả nước biết đến và hướng đến xuất khẩu.