Sáng 7/9, Cục Sở hữu trí tuệ đã trao quyết định cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể (NHTT) đối với cây thạch đen của huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn cho Hội Sản xuất và Kinh doanh thạch đen.
Cây thạch đen Tràng Định.
Cây thạch đen còn có tên là cây lường phấn thảo, cây sương sáo, phát triển mạnh nhất trên địa bàn huyện Tràng Định từ những năm 2000 đến nay. Cây thạch đen có ưu điểm là trồng được ở cả đất ruộng và đất nương rẫy, đòi hỏi khá cao về độ màu mỡ của đất, do đó khá thuận tiện cho việc sản xuất tập trung.
Ông Lý Văn Lâm - Chủ tịch UBND huyện Tràng Định - cho biết, theo đánh giá của nhiều người tiêu dùng, thạch đen Tràng Định có hương vị đặc trưng, thơm ngon hơn so với thạch đen được sản xuất tại các địa phương khác. Diện tích trồng cây thạch đen hằng năm của huyện ổn định từ 1.000ha đến 1.500ha trên tất cả 23 xã, thị trấn.
“Thạch đen là một trong những cây có giá trị kinh tế cao, là sản phẩm chủ lực của huyện Tràng Định, đem lại thu nhập lớn cho người nông dân. Việc đón nhận nhãn hiệu tập thể “Tràng Định” cho cây thạch đen là đòn bẩy để nâng cao danh tiếng cũng như thúc đẩy phát triển sản xuất cây trồng nông sản, đặc sản của địa phương” - ông Lâm nhấn mạnh.
Nhãn hiệu tập thể trên được sử dụng cho các sản phẩm: Thạch cho thực phẩm, cây thạch đen khô, thạch đen, cây thạch đen tươi, đồ uống từ thạch đen không có cồn.
Ông Từ Trọng Hiếu - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNN) huyện Tràng Định, Chủ tịch Hội Sản xuất và Kinh doanh thạch đen - chia sẻ: “Trong những năm gần đây, năng suất bình quân của thạch đen của huyện đạt từ 5,8-6 tấn/ha, sản lượng bình quân 8.700-12.000 tấn/năm, giá bán tại huyện từ 10.000-30.000 đồng/kg, đã đem lại thu nhập 187-360 tỷ đồng/năm cho bà con Tràng Định. So với cây lúa, thạch đen đem lại hiệu quả cao gấp 10 lần.
Ông Phan Văn Bằng - thôn Bản Châu, xã Tân Tiến - cho biết, gia đình ông đang có 10 sào thạch đen, năng suất 2,5 tạ/sào. Thu nhập 30-50 triệu đồng/năm từ cây thạch đen đã giúp gia đình ông thoát nghèo và phát triển kinh tế. Tuy nhiên, hiện ông vẫn gặp khó về đầu ra do thị trường bấp bênh, giá cả không ổn định, có năm chỉ 4.000-8.000 đồng/kg. Ông Bằng mong muốn chính quyền hỗ trợ bao tiêu đầu ra sản phẩm để tập trung sản xuất.
Lê Loan