Tiến sỹ Nguyễn Thanh Tùng - Phó Trưởng phòng Vật liệu polymer, Viện Hóa học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, thành viên nhóm nghiên cứu ứng dụng công nghệ màng MAP bảo quản và nâng cao chất lượng quả vải thiều ở Lục Ngạn, Bắc Giang - cho biết, trước khi bao gói bằng màng MAP, quả vải được trải qua vài khâu xử lý nhằm loại bỏ vi sinh vật gây hư hỏng và ổn định chất lượng quả và màu vỏ trong quá trình lưu trữ, vận chuyển, giúp kéo dài thời gian bảo quản.
Quả vải sau 30 ngày bảo quản bằng màng MAP vẫn giữ màu đỏ đẹp. Ảnh: N.M
Cụ thể, quả vải sau khi thu hoạch được vận chuyển về kho lạnh và giữ ở nhiệt độ 16-180C để làm mát và chọn lọc sơ bộ, làm sạch các tạp chất cơ học trên vỏ quả, cắt cuống còn 2-3mm. Để hạn chế tỷ lệ hư hỏng do vi sinh vật, vải được ngâm 7 phút trong nước ấm 470C.
Kết quả nghiên cứu cho thấy với việc xử lý bằng nước ấm này, tỷ lệ hư hỏng sau 5 tuần bảo quản là 9,7%. Còn tác dụng giữ màu quả vải có được là nhờ khâu xử lý bằng phương pháp hạ pH. Nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm 3 loại axít là axít oxalic, axít citric và axít HCl.
Kết quả cho thấy vải sau khi xử lý bằng HCl không thể duy trì chất lượng tốt như xử lý bằng oxalic hay citric, thời gian bảo quản cũng ngắn hơn, tỷ lệ hư hỏng cao hơn, quả mềm hơn, giá trị thương phẩm bị ảnh hưởng nhiều. Có tình trạng này do vải là loại quả vỏ gỗ, dễ dàng chịu tác dụng của axít mạnh hoặc pH thấp, dẫn đến mềm hóa vỏ quả, gây mục, nứt vỏ quả, tạo điều kiện cho vi sinh vật tấn công, gây hư hỏng, làm giảm hiệu quả bảo quản. Khi xử lý bằng oxalic và citric, quả duy trì được độ cứng tốt, chất lượng quả sau 6 tuần bảo quản vẫn tương đương thời điểm ban đầu, tỷ lệ hư hỏng thấp.
Tuy nhiên, axit oxalic có tính khử nên giúp sắc đỏ vỏ quả bền lâu hơn so với citric. Qua quá trình nghiên cứu, các chuyên gia đưa ra được phương án tối ưu là sử dụng dung dịch axít oxalic (pH=3) ngâm quả vải trong 6 phút.
Sau các bước xử lý trên, vải mới được đóng vào túi MAP, buộc chặt, bảo quản ở nhiệt độ 4-50C, độ ẩm 85-90%. Vải sau khi được chuyển ra kho chỉ cần giữ ở nhiệt độ 16-180C cho đến khi tiêu thụ hết. Kết quả nghiên cứu bảo quản vải trong màng MAP cũng cho thấy độ chín quả vải khi thu hái có ảnh hưởng lớn đến thời gian bảo quản quả vải sau thu hoạch.
Sau 4 tuần (28 ngày) bảo quản, tỷ lệ hư hỏng thấp nhất là 9,81% đối với quả vải trong công thức 2 (độ chín 2, nghĩa là thu hoạch trong 80-85 ngày sau khi đậu quả). Trên cơ sở các kết quả nghiên cứu thu được, các tác giả đã chọn ra độ chín quả vải phù hợp là vải có thời gian sinh trưởng từ 80-85 ngày sau đậu quả.