Bóng cười được một số người sử dụng để tăng sức hấp dẫn, vui vẻ ở các bữa tiệc. Tuy nhiên, lạm dụng hít bóng cười có thể gây tác hại khôn lườngnhư rối loạn thần kinh và đặc biệt là tổn thương não bộ vĩnh viễn.

Bóng cười là gì?

Bóng cười là khí gây cười, tên hóa học là Dinito monoxit hay nitrous oxide. Nó là hợp chất hóa học với công thức N2O. Khi bơm vào bóng bay, gọi là bóng cười (funkyball). Bóng cười hiện đang tạo nên một "cơn sốt" trong giới trẻ.

Loại khí trong bóng cười khi hít vào có khả năng tác động mạnh lên 1 điểm của hệ thần kinh gây cười, tạo cảm giác lâng lâng sảng khoái cho người sử dụng.

Mới chỉ du nhập vào Việt Nam không lâu, nhưng bóng cười đã nhanh chóng trở thành trào lưu được giới trẻ yêu thích thậm chí coi nó như một thú vui mỗi khi đi hộp đêm, hít một hơi bạn sẽ cười không ngừng nghỉ.

Bộ dụng cụ chơi "bóng cười" được giao hàng tận nơi. Ảnh: Thanh Niên.
Bộ dụng cụ chơi "bóng cười" được giao hàng tận nơi. Ảnh: Thanh Niên.

Đây cũng là 1 hóa chất gây mê nên nếu dùng ở một lượng lớn khí cười có thể dẫn đến hôn mê.

Những quả bóng cười này được người bán bơm khí ga bằng một dụng cụ bơm chuyên dụng. Sau đó người mua sẽ cầm bóng để hít hà, khí hết cũng là lúc quả bóng lép xẹp. Khí nitrous oxide lan tỏa, ngấm vào cơ thể sẽ tạo cảm giác phấn khích, tạo ảo giác gây cười cho người sử dụng.

Bóng cười hoạt động như thế nào?

Cơ chế tác động của N2O lên cơ thể người sử dụng khá phức tạp và khoa học vẫn chưa tìm hiểu đầy đủ. Có thể nói, N2O tác động gây một hiệu ứng giải lo âu, tác dụng tê/mê, giảm đau và sảng khoái. N2O gây vô cảm hoặc tê mê toàn thân nhưng không mất tri giác.

Trong y khoa, trước đây, N2O cũng từng được sử dụng trong một số trường hợp lo âu và trầm cảm cũng như làm giảm tình trạng kích động, mê sảng trên những bệnh nhân cai rượu. Tuy nhiên, hiện nay, với những tiến bộ y học, các dược phẩm điều trị lo âu và trầm cảm có rất nhiều và hiệu quả nên N2O không còn sử dụng nữa.

N2O cũng được sử dụng trong sản khoa cho những trường hợp mà bà mẹ quá lo lắng hay sợ đau trong lúc sinh nở.

Bóng cười có nguy hiểm không?

Sau khi hít 10-30 giây, N2O sẽ gây một hiệu ứng sảng khoái, vui vẻ và duy trì trong 2-3 phút, làm giảm nhẹ sự tỉnh táo.

Giới trẻ công khai sử dụng bóng cười tại các quán bar.
Giới trẻ công khai sử dụng bóng cười tại các quán bar.

Việc sử dụng thường xuyên “bóng cười” thì có thể gây ra các rối loạn như: cảm giác châm chích ở đầu chi và đi đứng loạng choạng; các rối loạn khí sắc; rối loạn trí nhớ; rối loạn giấc ngủ và các rối loạn nhịp tim và hạ huyết áp; thiếu máu, thiếu B12.

Ngoài ra, việc dùng quá liều N2O sẽ dẫn đến rối loạn vận động, suy giảm nhận thức hay co giật.