Một nghiên cứu mới cho thấy không phải lúc nào ngủ sớm, dậy sớm cũng là điều tốt. Bắt một số người thuộc phe "cú đêm" dậy sớm có thể là thảm họa.
Công trình vừa được công bố trên tạp chí Sleep chứng minh việc buộc một số "cú đêm" điều chỉnh lại thời gian ngủ và dậy sớm có thể ảnh hưởng tiêu cực đến chức năng não, năng suất làm việc và sức khỏe của họ.
Tiến sĩ Elise Facer-Childs, đến từ Viện Nhận thức và Lâm sàng về khoa học thần kinh Monash (Melbourne-Úc)- tác giả chính của nghiên cứu, cho biết bà đã tập trung vào một số người mà tình trạng "cú đêm" của họ không phải do điều kiện công việc, sinh hoạt mà do chính kiểu hình sinh học khác với đa số của họ quy định.
Sự khác biệt trong các kết nối chức năng não bộ, được gọi là "mạng chế độ mặc định", vốn đóng vai trò quan trọng trong nhận thức và ý thức, có thể giải thích lý do nhiều "cú đêm" cảm thấy lờ đờ, buồn ngủ, không thể làm việc tốt vào giờ hành chính nhưng lại làm việc hiệu quả hơn vào giờ đa số đã đi ngủ.
38 tình nguyện viên tham gia thử nghiệm đã được lấy mẫu nước bọt mỗi sáng, chiều, tối trong suốt 13-16 ngày để kiểm tra nồng độ 2 hormone melatonin và cortisol. Melatonin vốn là hormone có tác dụng điều chỉnh chu kỳ sinh học, thường gia tăng vào ban đêm và khiến chúng ta buồn ngủ, rồi giảm dần và khiến chúng ta tỉnh giấc. Còn cortisol được gọi là "hormone căng thẳng", tăng cao khi chúng ta căng thẳng, mệt mỏi.
Ngoài ra, người tham gia còn phải thực hiện các nhiệm vụ để kiểm tra phản ứng, hoàn thành bảng câu hỏi về lối sống, cảm giác buồn ngủ và tham gia quét não bằng MRI.
Kết quả cho thấy khi "cú đêm" bị bắt dậy sớm và làm việc vào giờ hành chính, họ thường phải vật lộn với công việc, đồng thời sự tăng tiết trái khoáy của các hormone trên khiến họ bị căng thẳng và cơn buồn ngủ bủa vây.
Tiến sĩ Elise Facer-Childs nhận định rằng hiện nay, rất nhiều người mang kiểu hình sinh học "cú đêm" đang phải đấu tranh để có thể làm việc tốt trong giờ học, giờ làm việc hành chính, vốn không phù hợp với các yếu tố tự nhiên trong bản thân họ. Theo bà, nếu những người mang kiểu hình sinh học này lựa chọn hoặc được sắp xếp công việc phù hợp hơn với thời gian ngủ của họ, năng suất lao động sẽ được cải thiện nhiều, đồng thời bản thân họ được giảm thiểu rủi ro sức khỏe.
Trước đó, một nghiên cứu công bố trên tạp chí khoa học Chronobiology International cũng nhận định các "cú đêm" bị bắt dậy sớm có nguy cơ tử vong sớm và bệnh tật cao hơn, đặc biệt là bệnh tiểu đường và nhóm bệnh thần kinh.