Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), 77% trường hợp tử vong và 70% gánh nặng chi phí điều trị, dịch vụ y tế đều bắt nguồn từ các bệnh không lây nhiễm. Những thông tin này đã rọi chiếu một cách nhìn khác lên chiến lược phát triển y tế dự phòng và y tế điều trị của Việt Nam.
Tháng 5/2019, tại hội nghị về Y tế thường niên của WHO tại Geneva, Thụy Sĩ, một lần nữa các bệnh không lây nhiễm được nhắc đến là một nguyên nhân gây tử vong hàng đầu thế giới khi dẫn đến cái chết của 41 triệu người mỗi năm, chiếm 71% tỷ lệ chết, phần lớn diễn ra tại các quốc gia có thu nhập trung bình và thấp. Các chuyên gia cho rằng, trong thời gian tới, hậu quả mà các căn bệnh không lây nhiễm gây ra sẽ có xu hướng trở nên trầm trọng hơn do tỷ lệ gia tăng ngày càng nhanh chóng nhưng cả y tế công cộng lẫn bản thân người dân ngày càng ít quan tâm phòng ngừa.
Các căn bệnh không lây nhiễm không nguy hiểm?
Dù gọi bằng cách nào, bệnh không lây nhiễm hay bệnh không truyền nhiễm thì NCDs (non-communicable diseases) vẫn được hiểu là những căn bệnh không nhiễm trùng hoặc không lây truyền giữa người với người, bệnh mãn tính diễn tiến chậm và có thời gian ủ bệnh kéo dài và có ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người bệnh trong một thời gian dài. Do đó, đôi khi chúng cũng được gọi là các bệnh mãn tính.
Về cơ bản, không đột ngột dẫn đến cái chết như các dịch bệnh truyền nhiễm nhưng NCDs có nguy cơ tử vong lớn nhất Việt Nam, bao gồm các bệnh tim mạch, cao huyết áp, đái tháo đường, ung thư, các bệnh liên quan đến hô hấp mà không gây lây nhiễm, các hội chứng tâm lý/rối loạn tâm thần... Theo thống kê của tổ chức Y tế thế giới WHO, mỗi năm có khoảng 15 triệu người chết vì các bệnh không lây nhiễm nằm trong độ tuổi từ 30 đến 69, trong đó trên 85% những trường hợp ‘chết trẻ’ này thường xảy ra ở các quốc gia thuộc nhóm thu nhập thấp và trung bình. Đây là lý do giải thích vì sao các bệnh không lây nhiễm được các chuyên gia y tế xem là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên toàn thế giới.
Tại Việt Nam, vì lý do không lây nhiễm kèm với thời gian tiến triển bệnh kéo dài nên các bệnh không lây nhiễm thường ít được cộng đồng quan tâm, không chỉ về ý thức điều trị của từng người dân mà còn về cả chính sách của các tổ chức. Do đó, nó dẫn đến một tương lai nhiều rủi ro với sức khỏe khi các chuyên gia WHO dự đoán, các bệnh không lây nhiễm đang có xu hướng tăng rất nhanh tại Việt Nam, trong đó chủ yếu là các bệnh về tim mạch, đái tháo đường, ung thư và bệnh phổi mạn tính. Theo thống kê của WHO, ở Việt Nam trong năm 2016, trong 77% các trường hợp tử vong mỗi năm của Việt Nam do các bệnh không lây nhiễm thì các bệnh tim mạch chiếm 31%, ung thư chiếm 19%, các bệnh không lây nhiễm khác chiếm 18%. Chúng ta hãy nhìn vào biểu đồ dưới đây:
Trung bình mỗi năm, nước ta có khoảng 12 triệu người mắc bệnh tăng huyết áp, gần ba triệu ca mắc bệnh đái tháo đường, hai triệu người mắc các bệnh tim mạch và hô hấp mạn tính, và gần 126.000 ca mắc mới ung thư, rối loạn tâm thần. Tại Việt Nam, tỷ lệ tử vong do hai căn bệnh tim mạch, đột quỵ gây ra đang có xu hướng gia tăng và trở thành nguyên nhân chính gây tử vong trong số các bệnh không lây nhiễm. Điều này trái ngược với các quốc gia phát triển, những nơi có hệ thống cảnh báo sớm, điều kiện chăm sóc y tế tốt và ý thức mỗi người dân về sức khỏe cao nên tỷ lệ tử vong do các bệnh tim mạch, đột quỵ ngày càng giảm.
Các yếu tố nguy cơ và thay đổi về mô hình bệnh tật
WHO cảnh báo, lối sống liên quan rất lớn đến sức khỏe, đặc biệt các bệnh không truyền nhiễm: hút thuốc lá là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu, với khoảng 7,2 triệu ca tử vong mỗi năm (bao gồm cả ảnh hưởng của thuốc lá đến những người hút thuốc là bị động); hơn 3,3 triệu ca tử vong có liên quan đến việc sử dụng đồ uống có cồn (bao gồm cả bệnh ung thư); thiếu vận động thể thao cũng là một nguyên nhân gián tiếp gây ra khoảng 1,6 ca tử vong mỗi năm.
Tương tự tại Việt Nam, các yếu tố rủi ro bao gồm thuốc lá, đồ uống có cồn, thiếu vận động, chế độ dinh dưỡng không phù hợp, ô nhiễm không khí và các nguồn ô nhiễm khác từ môi trường dẫn đến nguy cơ ung thư ngày càng gia tăng. Bên cạnh đó, có rất nhiều người mắc bệnh nhưng không nằm trong thống kê, hoặc không có khả năng tham gia điều trị bệnh. có rất nhiều bệnh nhân không biết mình đang mắc bệnh cao huyết áp hay đái tháo đường. Tỉ lệ bệnh nhân đang thực sự điều trị căn bệnh này ở Việt Nam khá thấp, chỉ ở mức 29% bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường và 14% bệnh nhân cao huyết áp đang có được nhận các chăm sóc y tế cần thiết.
Dù có những cải thiện rõ rệt về đời sống vật chất và thu nhập bình quân song mô hình bệnh tật ở Việt Nam cũng đang có sự thay đổi nhanh chóng và phản ánh rõ nét sự thay đổi về thu nhập này. Theo ước tính của Bộ Y tế, ở thành thị, tỉ lệ trẻ em mắc bệnh béo phì đang ngày càng tăng cũng đang dấy lên những cảnh báo về việc tiêu thụ thức ăn nhanh, đồ uống có đường và thiếu vận động tại Việt Nam. Đáng quan ngại hơn, Việt Nam hiện đang là quốc gia có tỉ lệ béo phì gia tăng nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á, chiếm 3,6% tổng dân số.
Nâng cao nhận thức của mỗi cá nhân
Một thực tế đang diễn ra tại Việt Nam: rất nhiều bệnh nhân mắc các bệnh không lây nhiễm nguy hiểm chỉ phát hiện bệnh ở giai đoạn rất muộn. Nguyên nhân của tình trạng này là do thiếu các dịch vụ phát hiện sớm và quản lý điều trị tại tuyến y tế cơ sở. Vì vậy, khi Việt Nam chưa có những giải pháp dài hạn về mặt chính sách trong phát triển các chương trình bảo vệ sức khỏe phù hợp với tình hình mới thì trong thời gian tới, các chương trình truyền thông xã hội để nâng cao nhận thức cộng đồng về các bệnh không truyền nhiễm cần được đẩy mạnh, song song với việc nâng cao năng lực hệ thống về sàng lọc và cảnh báo sớm các bệnh không lây nhiễm tại cấp cơ sở.
Theo cách đó, mỗi cá nhân cần tự thường xuyên theo dõi chỉ số BMI (Body Mass Index) để hạn chế các nguy cơ về béo phì. Bên cạnh đó, nếu có điều kiện, cần thực hiện đo huyết áp, xét nghiệm đường máu tối thiểu 1 lần/năm và tham gia chẩn đoán, phát hiện sớm một số bệnh ung thư phổ biến thông qua khám sàng lọc tại các cơ sở y tế. Phòng bệnh hiệu quả nhất bằng cách tăng cường vận động (tập thể dục thể thao), thực hiện chế độ ăn uống cân bằng và nhiều rau xanh, đồng thời hạn chế tối đa các yếu tố nguy cơ như rượu bia, thuốc lá, ô nhiễm môi trường (sử dụng máy lọc không khí, máy lọc nước ở các siêu đô thị có mật độ dân cư và giao thông cao).
Số liệu tham khảo:
https://www.bloomberg.com/news/articles/2019-07-19/obesity-is-climbing-the-fastest-in-vietnam-in-southeast-asia
https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/noncommunicable-diseases
https://www.who.int/nmh/countries/2018/vnm_en.pdf?ua=1