Các nhà nghiên cứu tại Đại học Georgia (Mỹ) đã sử dụng công nghệ CRISPR-Cas9 để lần đầu tiên tạo ra động vật bò sát chỉnh sửa gene, cụ thể là những con thằn lằn bạch tạng nhỏ.
Kết quả nghiên cứu của họ được công bố trên tạp chí Cell Reports.
“Theo hiểu biết của chúng tôi, chưa có phòng thí nghiệm nào trên thế giới tạo ra được một loài bò sát biến đổi gene”, Douglas Menke, đồng tác giả nghiên cứu, cho biết.
Công nghệ chỉnh sửa gene CRISPR thường được thực hiện trên trứng mới thụ tinh hoặc hợp tử đơn bào của động vật có vú, cá hoặc động vật lưỡng cư. Nhưng kỹ thuật này rất khó áp dụng với động vật bò sát bởi vì tinh trùng của con đực được lưu trữ một thời gian dài bên trong ống dẫn trứng của con cái và rất khó xác định khi nào việc thụ tinh diễn ra.
Để giải quyết vấn đề này, Menke cùng các đồng nghiệp đã tiêm các protein CRISPR vào trứng chưa trưởng thành nằm bên trong buồng trứng của thằn lằn – nhắm mục tiêu vào gene tyrosinase gây ra bệnh bạch tạng. Sau đó, họ chờ trứng được thụ tinh tự nhiên. Sau vài tuần, những quả trứng đã nở ra bốn con thằn lằn bạch tạng.
Quốc Hùng (Theo UPI)