Bệnh giun Guinea từng lây nhiễm cho hàng triệu người nghèo nhất trên thế giới, sắp bị xóa sổ ở người.
Năm 2021 thế giới chỉ có 14 trường hợp nhiễm giun Guinea (một loại ký sinh trùng gây ra các tổn thương đau đớn trên da), thấp nhất từ trước đến nay. Những năm 1980, bệnh nhiễm trùng này xuất hiện ở hơn 20 quốc gia và lây nhiễm cho 3,5 triệu người mỗi năm. Năm 2020, thế giới cũng chỉ có 27 ca nhiễm giun Guinea được ghi nhận.
Đây là kết quả gần 40 năm nỗ lực của các tổ chức quốc tế và chính phủ các nước, theo Adam Weiss, giám đốc Chương trình diệt trừ giun Guinea thuộc Trung tâm Carter, Atlanta, Georgia, cho biết. Trung tâm Cartervừa công bố các con số thống kê mới về bệnh giun Guinea vào tháng trước.
"Thành tích này thật tuyệt vời," Weiss nói. Hơn nữa, vì bệnh giun Guinea không có phương pháp điều trị hoặc vaccine, thành tích này rất đáng chú ý, theo Julie Swann, nhà mô hình hóa dịch bệnh tại Đại học Bang North Carolina. Các chiến dịch xóa sổ bệnh giun Guineachỉ tập trung vào việc ngăn chặn lây truyền.
Trẻ em ở Sudan lấy nước qua lưới lọc để loại bỏ ấu trùng giun guinea.
Người và một số động vật, bao gồm cả mèo, chó và khỉ đầu chó, bị nhiễm giun Guinea khi uống nước chứa ấu trùng của giun. Sau một năm phát triển bên trong vật chủ, giun Guinea - có thể dài tới một mét - chui qua da của vật chủ và chờ tiếp xúc với nước để tiếp tục giải phóng ấu trùng của nó. Quá trình thoát ra của giun gây đau đớn cho vật chủ và có thể kéo dài đến sáu tuần, đôi khi đau đớn đến mức khiến cho vật chủ không thể vận động.
Do bệnh giun Guinea biểu hiện qua da, ký sinh trùng này dễ bị phát hiện khi đã lây nhiễm. Nhưng các quốc gia cũng phải theo dõi nguồn nước, đặc biệt là ở các khu vực xảy ra ca nhiễm. Philippe Tchindebet Ouakou, điều phối viên của Chương trình Xóa bỏ Giun Guinea Quốc gia của Chad, quốc gia có 7 trong số 14 trường hợp được báo cáo năm 2021, cho biết nước này có một mạng lưới nhân viên y tế tại hiện trường theo dõi các nguồn nước xem có bị nhiễm giun Guinea hay không. Nếu có, nhóm sẽ ngăn không cho người dân sử dụng nguồn nước bị nhiễm giun và sử dụng thuốc trừ sâu để khử trùng.
Các quốc gia như Nam Sudan, Mali và Ethiopia, những nơi xảy ra 7 trường hợp còn lại, cũng sử dụng cách tiếp cận tương tự.
Nhưng Swann không cho rằng có thể xóa sổ hoàn toàn bệnh giun Guinea do rất khó kiểm soát các ca bệnh và nguồn nước xung quanh các ca nhiễm ở động vật. Chỉ riêng ở Chad, năm 2021 có 790 trường hợp nhiễm giun Guinea ở loài chó được ghi nhận. Các ca nhiễm ở động vật hoang dã cũng rất khó theo dõi và phát hiện. Nhưng nhìn chung, số trường hợp nhiễm giun Guinea ở động vật đã giảm 45% vào năm 2021.
Ngược lại, Weiss cho rằng loài người có khả năng xóa sổ căn bệnh này bằng cách hạn chế phạm vi di chuyển của loài chó, vì có thể động vật hoang dã nhiễm giun Guinea từ nước bị chó làm ô nhiễm, theo Weiss.
Lực lượng Đặc nhiệm Quốc tế về Xóa bỏ Dịch bệnh xác định 8 căn bệnh có khả năng xóa sổ: giun Guinea, bại liệt, quai bị, rubella, giun chỉ bạch huyết, bệnh nang sán, bệnh sởi và bệnh ghẻ cóc. Nếu xóa sổ được bệnh giun Guinea, đây sẽ là căn bệnh thứ ba mà con người chủ động xóa sổ thành công, sau bệnh đậu mùa và bệnh rinderpest (một loại virus chủ yếu lây nhiễm cho trâu và bò).
Nguồn: