Các bác sĩ đã phát hiện ra một “dấu hiệu kháng thể” có thể giúp xác định những bệnh nhân nào có nguy cơ mắc COVID kéo dài nhất.

COVID kéo dài là các triệu chứng suy nhược có thể tồn tại trong nhiều tháng sau khi bệnh nhân COVID-19 đã khỏi bệnh.

Các nhà nghiên cứu tại bệnh viện Đại học Zurich đã phân tích máu của bệnh nhân COVID-19 và phát hiện ra rằng nếu một số kháng thể có mức độ thấp, thì bệnh nhân có nguy cơ phát triển COVID kéo dài cao hơn so với những bệnh nhân khác.

Hình minh họa. Nguồn: Getty Images

Khi kết hợp với tuổi của bệnh nhân, thông tin chi tiết về các triệu chứng bệnh và thông tin về bệnh nền (hen suyễn), dấu hiệu kháng thể mới giúp các bác sĩ dự đoán liệu bệnh nhân có nguy cơ mắc COVID kéo dài ở mức trung bình, cao hoặc rất cao.

“Nhìn chung, chúng tôi nghĩ rằng những phát hiện của chúng tôi về một dấu hiệu immunoglobulin sẽ giúp xác định sớm những bệnh nhân nào có nguy cơ cao mắc COVID kéo dài, do đó sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc nghiên cứu, hiểu biết và cuối cùng là các phương pháp điều trị,” giáo sư miễn dịch học Onur Boyman, người dẫn đầu nghiên cứu cho biết.

Nhóm Boyman đã nghiên cứu 175 người có kết quả dương tính với COVID-19 và tuyển 40 tình nguyện viên khỏe mạnh làm nhóm đối chứng. Để xem tình trạng sức khỏe của họ thay đổi như thế nào theo thời gian, các bác sĩ đã theo dõi 134 bệnh nhân COVID-19 trong tối đa một năm sau khi nhiễm bệnh.

Khi COVID-19 tấn công, kháng thể IgM tăng lên nhanh chóng, còn kháng thể IgG tăng muộn hơn và có tác dụng bảo vệ lâu dài. Xét nghiệm máu trên những người tham gia cho thấy những người phát triển COVID kéo dài - còn được gọi là hội chứng COVID-19 sau cấp tính (Pacs) - có xu hướng có mức IgM và kháng thể IgG3 thấp.

Các nhà khoa học đã kết hợp dấu hiệu kháng thể với tuổi của bệnh nhân, thông tin về hen suyễn và chi tiết về các triệu chứng bệnh để tạo ra một điểm số nguy cơ COVID kéo dài. Để xác nhận rằng điểm số này phản ánh đúng thực tế, họ đã chạy thử nghiệm trên một nhóm riêng biệt gồm 395 bệnh nhân COVID-19 đã được theo dõi trong sáu tháng.

Thử nghiệm không thể dự đoán nguy cơ mắc bệnh COVID kéo dài của một người trước khi họ bị nhiễm COVID-19, vì cần có thông tin chi tiết về các triệu chứng bệnh, nhưng Tiến sĩ Carlo Cervia, tác giả đầu tiên của nghiên cứu, cho biết những người bị hen suyễn và có mức IgM và IgG3 vốn ở mức thấp có thể là nhóm rủi ro cao.

“Kết quả này có thể sẽ cải thiện việc chăm sóc cho những bệnh nhân COVID kéo dài, cũng như thúc đẩy các nhóm nguy cơ cao, chẳng hạn như bệnh nhân hen suyễn, đi tiêm phòng COVID-19 và do đó ngăn ngừa COVID kéo dài,” Cervia nói. Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Communications.

Mặc dù không có cách chữa trị hiệu quả cho COVID kéo dài, nhưng có thể tìm ra ai có nguy cơ cao nhất để đưa vào các thử nghiệm lâm sàng và phục hồi chức năng sớm.

Một hy vọng khác là việc xác định sớm các bệnh nhân có nguy cơ Covid kéo dài sẽ giúp các bác sĩ tìm ra nguyên nhân gây ra tình trạng này. Các nhà nghiên cứu đã đề xuất một số nguyên nhân có thể xảy ra, có thể do thiệt hại lâu dài do virus gây ra hoặc do hệ thống miễn dịch hoạt động sai hoặc có các túi virus ẩn náu trong cơ thể.

Tiến sĩ Claire Steves tại Đại học King’s College London hoan nghênh công trình này nhưng cho rằng điều quan trọng là phải xác nhận lại những phát hiện ở một số lượng lớn bệnh nhân hơn. Steves biết thêm, với số ca bệnh vẫn còn cao, rất nhiều người có nguy cơ phát triển các triệu chứng lâu dài. Do đó "cần khẩn trương mở rộng quy mô nghiên cứu về cách ngăn chặn COVID kéo dài," Steves nói.

Tiến sĩ David Strain, một giảng viên cao cấp về lâm sàng tại trường y Đại học Exeter và là người đứng đầu Hiệp hội Y khoa Anh về COVID kéo dài, cho biết nghiên cứu này là một bước để hiểu rõ hơn về COVID kéo dài. Strain cho biết, dấu hiệu kháng thể được các nhà nghiên cứu Thụy Sĩ xác định tương tự như dấu hiệu được thấy trong bệnh viêm cơ não tủy. "So sánh sâu hơn giữa những căn bệnh này có thể cho phép cả hai lĩnh vực cùng có lợi," Strain nói.

Nguồn: https://www.theguardian.com/society/2022/jan/25/doctors-find-antibody-signature-long-covid