Bệnh ung thư tiếp tục thuyên giảm ở hai trong số những bệnh nhân đầu tiên được điều trị bằng liệu pháp CAR-T cách đây 12 năm.

Năm 2010, Doug Olson là một trong những người mắc bệnh bạch cầu lymphocytic mãn tính, hay ung thư máu, được điều trị thử nghiệm bằng liệu pháp tế bào CAR-T. Các bác sĩ - gồm Carl June và David Porter ở Đại học Pennsylvania ở Philadelphia - xây dựng phác đồ điều trị thử nghiệm lâm sàng mà Olson tham gia, với hy vọng các tế bào biến đổi gen có thể tồn tại một tháng trong cơ thể những người tham gia thử nghiệm.

Nhưng đến nay, sau 12 năm, các tế bào miễn dịch tiêu diệt ung thư vẫn tuần hoàn trong máu của Olson, và bệnh ung thư không tái phát.

"Giờ đây, chúng tôi có thể kết luận rằng liệu pháp tế bào CAR-T thực sự có thể chữa khỏi bệnh cho bệnh nhân ung thư máu", June nói với các phóng viên tại một cuộc họp báo về kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature vào ngày 2/2.

Liệu pháp tế bào CAR-T điều chỉnh các tế bào T để chúng có thể nhận ra các protein là dấu hiệu của ung thư. Trong ảnh: tế bào T tấn công một tế bào ung thư não.

Thuốc phá khối u

Liệu pháp tế bào CAR-T lấy các tế bào miễn dịch T từ bệnh nhân ung thư và chỉnh sửa di truyền để chúng tạo ra các protein CAR có khả năng nhận biết tế bào ung thư. Sau đó, các tế bào đã chỉnh sửa, CAR-T, được đưa trở lại vào cơ thể bệnh nhân để tìm diệt các tế bào ung thư.

12 năm qua, 5 liệu pháp tế bào CAR-T đã được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) chấp thuận cho điều trị bệnh bạch cầu, u lympho và u tủy. June ước tính hàng chục nghìn người đã được điều trị bằng liệu pháp tế bào CAR-T.

Nhưng liệu pháp này tốn kém, rủi ro và đòi hỏi kỹ thuật cao: lấy tế bào miễn dịch, chỉnh sửa và đưa trở lại vào cơ thể đều là các quy trình xâm lấn phức tạp và tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho bệnh nhân. Dù được FDA chấp thuận, CAR-T vẫn là biện pháp cuối cùng, chỉ sử dụng khi tất cả các phương pháp điều trị khác đã thất bại. Và không phải tất cả bệnh ung thư được điều trị CAR-T đều đạt kết quả khả quan như Olson. Porter cho biết, bệnh ung thư máu chỉ thật sự thuyên giảm ở khoảng 25-35% số bệnh nhân nhận tế bào CAR-T. Một số ca bệnh ban đầu thuyên giảm nhưng ung thư vẫn tái phát sau điều trị. Các nhà nghiên cứu đang tiếp tục tìm kiếm những yếu tố quyết định sự thành công của liệu pháp tế bào CAR-T.

Porter và các đồng nghiệp của ông đã phân tích tế bào CAR-T ở Olson và một bệnh nhân khác cũng được điều trị vào năm 2010, và phát hiện tế bào CAR-T vẫn tồn tại, nhưng các đặc điểm của chúng thay đổi theo thời gian. Ngay sau khi đưa tế bào vào cơ thể, một quần thể tế bào T, tế bào T CD8 +, chiếm ưu thế. Đây là các tế bào T sát thủ, có thể xác định và tiêu diệt các tế bào có các protein bất thường, chẳng hạn như tế bào bị ung thư hoặc nhiễm virus.

Nhưng sau vài năm, một loại tế bào CAR-T khác đã trở nên thống trị, đó là tế bào T CD4 +. Loại tế bào này đảm nhận nhiều chức năng khác nhau trong hệ thống miễn dịch, và nhóm Porter chỉ ra rằng Olson và người còn lại có kết quả thử nghiệm khả quan đều có tế bào CD4 + có cả khả năng tiêu diệt tế bào bệnh bạch cầu.

Olson và người tham gia khác (chỉ có Olson đồng ý công khai thông tin quá trình điều trị và phục hồi của mình) hiện không hề có dấu hiệu của bệnh bạch cầu. Vẫn chưa rõ liệu các tế bào CAR-T đã tiêu diệt tất cả các tế bào ung thư bạch cầu ngay sau khi CAR-T được đưa vào cơ thể, hay chúng vẫn tiếp tục tuần tra và tiêu diệt bất kỳ tế bào ung thư bạch cầu nào xuất hiện.

Hiện có các nghiên cứu sử dụng liệu pháp tế bào CAR-T để điều trị các khối u rắn, chẳng hạn như khối u tuyến tiền liệt và u nguyên bào thần kinh đệm (ung thư não). Tháng trước, các nhà nghiên cứu đã báo cáo sử dụng thành công CAR-T để phá hủy mô sẹo trong tim, mở ra khả năng CAR-Ttrở thành liệu pháp điều trị chứng xơ hóa tim trong tương lai.

Nguồn: