Trong những ngày cuối mùa khô và đầu mùa mưa, khi mà trẻ có khả năng miễn dịch kém, những bệnh về đường hô hấp và tiêu hóa rất dễ khởi phát.
Trong đó, dịch viêm màng não mô cầu, bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi khuẩn Neisseria meningtidis gây nên đang có dấu hiệu gia tăng.
Đối tượng dễ mắc bệnh?
Vi khuẩn gây bệnh thường lây qua đường hô hấp do hít phải các giọt nước bắn có chứa mầm bệnh. Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, 2 nhóm tuổi thường dễ bị nhiễm não mô cầu là nhóm trẻ em từ 6 tháng - 3 tuổi và nhóm thanh thiếu niên từ 14 tuổi - 20 tuổi.
Thời tiết khí hậu lạnh và khô làm cho vi khuẩn tăng nhanh và gây bệnh cho con người. Riêng ở các nước thuộc khu vực nhiệt đới như Việt Nam, Thái Lan, Campuchia… bệnh thường gia tăng đột biến khi có sự thay đổi đột ngột của thời tiết như thời điểm cuối mùa khô, đầu mùa mưa.
Phát hiện sớm nhiễm não mô cầu
Theo thạc sĩ, bác sĩ Đinh Thạc, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, vi khuẩn có thể tấn công vào bất kỳ cơ quan nào của cơ thể để gây bệnh, dấu hiệu và triệu chứng đặc hiệu của bệnh tùy thuộc vào cơ quan bị vi khuẩn xâm chiếm. Hai bệnh thường gặp là viêm màng não và nhiễm trùng huyết do não mô cầu.
Với bệnh nhân vị viêm màng não mô cầu thường bị sốt cao đột ngột trong khoảng 39 - 40 độ. Vì thế, nếu trẻ đang sinh hoạt, chơi đùa bình thường bất ngờ sốt cao, phụ huynh cần lưu ý.
Khi trẻ than đau đầu dữ dội nhất là vùng trán và sau gáy, đau nhiều khiến trẻ quấy khóc rất nhiều kèm theo biểu hiện nôn ói thâm chí bỏ ăn, bỏ bú, người mệt mỏi. Đặc biệt, dấu hiệu cổ cứng thường đặc trưng cho tình trạng viêm màng não. Trẻ dưới 12 tháng tuổi có thể xuất hiện dấu hiệu thóp phồng khá đặc trưng.
Đối với nhiễm trùng huyết do não mô cầu thường bệnh khởi phát đột ngột, bệnh nhân sốt cao kèm triệu chứng ớn lạnh, rét run nhiều lần, nhức đầu, nôn ói, đau khớp, đau cơ đặc biệt đau nhiều ở sống lưng và hai chân. Bệnh nhân có mạch nhanh, thở nhanh và có thể có huyết áp thấp.
Biểu hiện nổi bật nhất của bệnh là tử ban, xuất hiện trong khoảng 75% các trường hợp, trong vòng một hai ngày sau sốt. Tử ban có màu đỏ hoặc tím thẫm, bờ không tròn đều, kích thước thay đổi từ 1 - 2 mm đến vài cm, bề mặt bằng phẳng không gồ lên mặt da, có khi có hoại tử vùng trung tâm. Vị trí tử ban phân bổ khắp người, nhiều nhất ở vùng nách, hông, quanh khớp (khuỷu, gối, cổ chân). Đôi khi tử ban có dạng bóng nước (nốt phỏng) hoặc lan tràn rộng lớn như hình bản đồ.
Cả hai thể bệnh vừa nêu đều nguy hiểm và có thể diễn tiến theo chiều hướng nặng rất nhanh, xấu nhất có thể gây tử vong trong vòng 24 giờ. Nên khi nghi ngờ trẻ bệnh, phụ huynh phải đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế càng sớm càng tốt.
Phòng ngừa nhiễm não mô cầu
Để tránh nguy cơ trẻ nhiễm bệnh não mô cầu, phụ huynh cần giữ vệ sinh cho trẻ thật tốt. Khuyến khích trẻ lớn và người lớn nên xúc miệng thường xuyên bằng dung dịch nước muối loãng (nước muối sinh lý), rửa tay sạch, mang khẩu trang ở những nơi công cộng, che miệng khi ho, hắc xì hơi,…
Bên cạnh đó, phụ huynh cần cho trẻ tiêm chủng vắc xin phòng bệnh, đây là một trong những phương pháp phòng bệnh hiệu quả và chủ động bằng thuốc chủng ngừa não mô cầu sẵn có tại Việt Nam. |