Đó là kết quả nghiên cứu đề tài “Khảo sát một số yếu tố liên quan đến trầm cảm ở bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2” của PGS.TS Đỗ Trung Quân (Đại học Y Hà Nội).

Kết quả này đượcchia sẻ tại “Festival khoa học về bệnh đái tháo đường và rối loạn chuyển hóa” do Hội Nội tiết - Đái tháo đường Thừa Thiên-Huế tổ chức ngày 28-4 tại TP Huế.

Theo TS Đỗ Trung Quân, qua điều tra 231 người bị đái tháo đường tuýp 2 có đến 35,7% người bị trầm cảm. Đường huyết tăng thời gian dài sẽ làm thay đổi các yếu tố sinh học, đâylà nguyên nhân phát sinh trầm cảm. Hơn nữa bệnh nhân mới phát hiện mắc đái tháo đường chưa được tư vấn điều trị, thường hoang mang, lo lắng, sợ hãi về bệnh, nghĩ đó là bệnh không thể chữa khỏi, suy kiệt về kinh tế, do đó tác động lớn đến tâm lý.


Nghiên cứu còn chỉ ra rằng nhóm lao động công nhân mắc đái tháo đường có tỉ lệ trầm cảm nhất trong các ngành nghề. Nguyên nhân do những công nhân ở Việt Nam phải làm việc với cường độ cao, nhiều áp lực mà thu nhập thấp, cộng thêm gánh nặng về bệnh tật, từ đó phát sinh những rối loạn về tâm thần.

Ngoài ra, nghiên cứu của TS Quân còn cho biết tỉ lệ bệnh nhân nữ tiểu đường tuýp 2 bị trầm cảm chiếm 22%, còn bệnh nhân nam có tỉ lệ 17,3%. Tuy nhiên, trầm cảm không liên quan đến trình độ học vấn cũng như tình trạng hôn nhân và không liên quan đến tình trạng kiểm soát đường huyết của người mắc đái tháo đường.