Ăn uống phi khoa học không chỉ là vấn đề của người học vấn thấp, không được tiếp cận thông tin về y khoa. Chính những người “nhiều chữ”, có ý thức chăm sóc sức khỏe đang trở thành nạn nhân của chế độ ăn sai lầm khi để mình lạc lối trong rừng thông tin trên mạng.

Giữa rừng thông tin tư vấn, việc chọn thực phẩm nhiều khi không hề đơn giản. Ảnh: Loan LêẢnh: Hoa Lê
Giữa rừng thông tin tư vấn, việc chọn thực phẩm nhiều khi không hề đơn giản. Ảnh: Loan Lê

Chưa bao giờ người dân có thể dễ dàng tìm kiếm các thông tin, khuyến cáo về chăm sóc sức khỏe như hiện nay, đặc biệt là chuyện ăn gì, ăn như thế nào cho khỏe, đẹp. Đây cũng là một trong những mảng nội dung được tìm kiếm nhiều nhất trên mạng. Nhưng sự ê hề về thông tin không chỉ là một lợi thế mà nhiều khi lại là nguồn cơn của tai họa khi người tiếp nhận không biết chắt lọc, để mình bị nhiễu và làm theo những hướng dẫn sai lầm.

Họa vào từ miệng chỉ vì… đọc nhiều

a

Lo ngại trước thực tế chính những người rất coi trọng việc cập nhật kiến thức dinh dưỡng lại đang mắc nhiều lỗi trong chuyện ăn uống của bản thân và gia đình, thạc sỹ - bác sỹ Lê Thị Hải - nguyên Giám đốc Trung tâm Tư vấn dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng quốc gia - nói: “Sai lầm phổ biến nhất của rất nhiều bà nội trợ là tuy chăm đọc nhưng không có nhiều kiến thức về dinh dưỡng, nên trên mạng nói thế nào lập tức tin và làm theo ngay”. Bà Hải nêu ví dụ: Trên Internet có nhiều bài về giảm cân bằng chuối được cư dân mạng lan truyền rất nhiệt tình. Sự thực, ăn nhiều chuối để giảm cân là điều vô lý, bởi chuối chứa rất nhiều gluxít nên cung cấp nhiều năng lượng. Một quả chuối 100gr cho 100kcal, tương đương với nửa bát cơm.

Khả năng lan truyền cao của các bài viết trên cộng đồng mạng khiến cho những khuyến cáo này nếu đúng sẽ đem lại lợi ích cực lớn, nhưng nếu sai sẽ gây hậu họa không nhỏ. Một trong những chủ đề được chia sẻ nhiều nhất ở cả phụ nữ lẫn nam giới là thanh lọc cơ thể bằng các đồ uống năng lượng cực thấp pha chế từ chanh, cam, bưởi hay các loại trái cây khác. Những câu chuyện về hiệu quả giảm cân - thải độc - làm đẹp da thần kỳ được kể lại với tư cách người trong cuộc, trong đó có những người nổi tiếng, dù chưa được kiểm chứng đã tạo cơn sốt áp dụng theo. Cái chết của một nữ sinh 18 tuổi tại Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội) vào tháng 7/2014 do nhịn ăn 12 ngày để thanh lọc cơ thể là ví dụ điển hình cho việc đua theo các trào lưu trên mạng mà không có cách nhìn khoa học để biết rằng không phương pháp nào phù hợp với tất cả mọi người. Thiếu nữ này có tiền sử tăng huyết áp và đang ôn thi đại học, khi được đưa đến bệnh viện sau gần 2 tuần “tuyệt thực” thì đã ngừng tuần hoàn, hôn mê sâu, bác sĩ không thể cứu.

Tiến sỹ - bác sỹ Phạm Thị Thúy Hòa - Viện trưởng Viện Dinh dưỡng ứng dụng, Hội Dinh dưỡng Việt Nam - cho rằng: “Việc người dân ham tìm đọc thông tin dinh dưỡng trên mạng chứng tỏ họ rất ham hiểu biết. Nhưng điều đáng nói là tình trạng hỗn loạn thông tin do nội dung về dinh dưỡng đăng trên mạng không được kiểm soát cẩn thận. Trong khi đó, người dân không biết thế nào là đúng, thế nào là không đúng, cứ thấy thuận tiện với bản thân là áp dụng rồi truyền kinh nghiệm cho nhau, dẫn tới khủng hoảng thông tin”.

Mẹ một bệnh nhi 13 tháng tuổi từng cho TS Thúy Hòa biết, chị được cộng đồng mạng tư vấn rằng để bé phát triển chiều cao tốt thì không cần cho ăn cháo, chỉ cần để bé uống nhiều sữa là ổn. Điều này hoàn toàn sai, gây mất cân bằng dinh dưỡng, ảnh hưởng tới sự phát triển của bé. Một bà mẹ khác ở quận Tây Hồ, Hà Nội cũng nghe lời khuyên từ các diễn đàn mạng, cho con ăn chế độ ít tinh bột và chất béo, nhiều rau - củ - quả để chống béo phì. Đến khi thấy con thường xuyên chán ăn, mệt mỏi, hay ốm vặt, chị đến bác sĩ dinh dưỡng mới được biết chế độ ăn lệch lạc đó khiến bé không được cung cấp đủ dinh dưỡng, nhất là thiếu các vitamin hòa tan trong chất béo.

Cần biết cách chắt lọc thông tin

Để không bị nhiễu, loạn trước rừng thông tin về dinh dưỡng, kỹ năng thẩm định, chắt lọc thông tin là điều rất cần thiết với những người muốn nhận kiến thức bảo vệ sức khỏe từ Internet. Ngoài việc xem xét mức độ tin cậy của nguồn tin, của cá nhân hay đơn vị tư vấn, theo bác sỹ Lê Thị Hải nếu có băn khoăn về những khuyến cáo mình đọc được, người dân nên hỏi các chuyên gia dinh dưỡng trước khi áp dụng cho bữa ăn gia đình. “Nên thận trọng khi làm theo những kinh nghiệm được chia sẻ trên các diễn đàn và mạng xã hội, bởi một chế độ ăn có thể mang lợi ích cho người này nhưng lại gây hại với người khác, hợp với thể trạng người này mà không hợp với thể trạng người khác” - bà Hải khuyên.

Cùng quan điểm, TS Thúy Hòa cho rằng người dân không nên áp dụng ngay các thông tin trên mạng mà nên hỏi bác sỹ đúng chuyên môn, được đào tạo một cách bài bản. Về nguồn thông tin trên mạng, nên truy cập vào những trang có uy tín của những chuyên gia, đơn vị có chuyên môn như trang web của Viện Dinh dưỡng ứng dụng quốc gia.

Ngoài vấn đề phân biệt thông tin “giả”, độc giả Internet còn gặp khó khăn khi đứng trước thông tin chính thống đến từ giới chuyên môn. Đó là sự phủ nhận lẫn nhau giữa các nghiên cứu, các khuyến cáo dinh dưỡng. Cùng một loại thực phẩm, nghiên cứu này tuyên bố nó tốt cho sức khỏe, nên ăn thường xuyên, nghiên cứu khác lại nêu tác hại và khuyên nên thận trọng. Ngay với thực phẩm thiết yếu là trứng cũng có nhiều khuyến cáo khác nhau. Trước đây, hướng dẫn phổ biến nhất trên truyền thông là không nên ăn quá 3 quả mỗi tuần, trong khi nhiều bác sỹ dinh dưỡng cho rằng không có gì đáng ngại nếu ăn hằng ngày (theo bác sỹ Lê Thị Hải, trẻ trên 2 tuổi có thể ăn 1 quả mỗi ngày). Chính phủ Mỹ mới đây cũng thay đổi quan niệm về trứng, cho rằng có thể ăn thoải mái thực phẩm này thay vì giới hạn như trước đây.

Về vấn đề này, bác sỹ Lê Thị Hải nói: “Kiến thức khoa học hôm nay có thể được coi là đúng, ngày mai đã có thể sai, việc hôm nay có nghiên cứu cho thực phẩm này là tốt, hôm khác lại có nghiên cứu tuyên bố không tốt cũng là bình thường. Hãy xem đó là thông tin tham khảo chứ không nên lập tức áp dụng”. Mặt khác, mức độ tin cậy của các nghiên cứu phụ thuộc vào quy mô, thời gian, cách thức tiến hành, mà các thông tin này nhiều khi không được cung cấp đầy đủ.

Vậy người dân làm thế nào để có định hướng đúng, tránh hoang mang trước các cơn lốc thông tin? Theo các chuyên gia, cách thông minh và chắc chắn nhất là sử dụng thực phẩm đa dạng với liều lượng cân đối, không ăn quá nhiều một loại thực phẩm nào.

Chữa bệnh do ăn uống tốn gấp 40 lần bệnh lây nhiễm

Mức sống và chất lượng vệ sinh, y tế được cải thiện giúp giảm mạnh các bệnh lây nhiễm nhưng lại kéo theo sự gia tăng các bệnh không lây nhiễm, điển hình là bệnh tim mạch (cao huyết áp, xơ vữa động mạch…), tiểu đường, béo phì, gout, ung thư… Nguyên nhân chính dẫn đến loại bệnh này là lối sống ít vận động, môi trường ô nhiễm và quan trọng nhất là chế độ ăn uống bất hợp lý.

Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới, năm 2020 số tử vong do các bệnh không lây nhiễm trên toàn thế giới sẽ tăng 15% so với năm 2010 với 44 triệu người, đến năm 2030 sẽ là 52 triệu người. Trong vòng 20 năm tới, mỗi năm con số tử vong do bệnh tim mạch sẽ tăng 6 triệu người, tử vong do ung thư tăng 4 triệu người, trong khi số tử vong do các bệnh nhiễm trùng sẽ giảm 7 triệu người. Chi phí điều trị bệnh không lây nhiễm cao gấp 40-50 lần bệnh lây nhiễm.
Sự thay đổi mô hình bệnh cũng xảy ra tương tự ở Việt Nam. Theo thống kê của ngành y tế, nếu như năm 1986 bệnh không lây nhiễm tại các bệnh viện chỉ chiếm 40% thì đến nay tỷ lệ này đã là 71%. Trong 520.000 ca tử vong mỗi năm, gần 3/4 có nguyên nhân từ các bệnh không lây nhiễm. Điều nguy hiểm là 43% số ca tử vong do nhóm bệnh này rơi vào nhóm người dưới 70 tuổi.

“Các chỉ số nguy cơ cho thấy bức tranh sức khỏe đáng lo ngại. Hơn một nửa nam giới Việt Nam hút thuốc lá, tiêu thụ muối trung bình cao gấp 2-3 lần mức khuyến cáo, 1/4 số nam giới trưởng thành tiêu thụ rượu bia ở mức gây hại. Chúng là các yếu tố gây bệnh không lây nhiễm khiến bệnh tăng huyết áp tăng nhanh, bệnh tiểu đường tăng gấp đôi trong 10 năm” - bác sỹ Socorro Escalante - đại diện Tổ chức Y tế thế giới - nhấn mạnh tại hội thảo về bệnh không lây nhiễm năm 2015.

Bộ Y tế cho biết Việt Nam hiện có khoảng 12,5 triệu người có bệnh tăng huyết áp, 2,5 triệu bệnh nhân tiểu đường, mỗi năm có 125.000 ca ung thư mới được phát hiện. Bệnh không lây nhiễm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sống, có thể gây tàn phế, khó chữa khỏi hoàn toàn nhưng dễ phòng ngừa bằng chế độ ăn uống, sinh hoạt, vận động khoa học. H.Thảo