Với ưu điểm tiện dụng, hạt nêm ngày càng được các bà nội trợ sử dụng nhiều hơn để chế biến những món ăn thơm ngon cho bữa cơm gia đình. Tuy nhiên, những thông tin về thành phần của hạt nêm và tác dụng của nó trong việc nấu nướng thì không phải ai cũng hiểu rõ.
Hạt nêm là gì?
Hạt nêm là loại phụ gia hỗn hợp chứa nhiều nguyên liệu. Trong đó thành phần thường gặp là các chất điều vị: bột ngọt (chiếm khoảng 30% - 40%), siêu bột ngọt Disodium guanylate và Disodium inosinate. Nó mang nhiều hương vị khác nhau cho món ăn. Không giống như bột ngọt có dạng hình que dài, hạt nêm có dạng hạt nhỏ, gần như tròn, hoặc dạng bột, và thường có màu vàng nhạt.
Hạt nêm không chứa nhiều dinh dưỡng như quảng cáo
Trong hạt nêm, các thành phần là bột thịt đều được nghiền ra và sấy khô, thực chất không được chiết xuất từ nước hầm xương ống và thịt thăn như thường thấy trong quảng cáo. Bởi nếu dùng thịt, cá nguyên chất khi cô đặc lại để làm ra được hạt nêm sẽ rất dễ bị ôi thiu. Những nguyên liệu này không thể để lâu ngoài trời, nhất là trong nhiệt độ bình thường. Vì vậy, hạt nêm còn thường cho thêm thành phần chất bảo quản để giữ được lâu.
Hạt nêm không tốt hơn mì chính
Có thể thấy, rất nhiều người đã loại bỏ mì chính ra khỏi các gia vị để nấu ăn trong các bữa ăn của gia đình và thay bằng hạt nêm. Tuy nhiên, quan điểm cho rằng hạt nêm tốt hơn mì chính là hoàn toàn sai lầm. Hạt nêm không hề tốt cho sức khỏe hơn mì chính như nhiều người nghĩ. Ngoài các thành phần như đường, muối còn có thành phần chính là mì chính và chất tạo ngọt, đó chính là chất điều vị 627 và 631. Về cơ bản, chất này cùng vị với mì chính và thuộc nhóm bột ngọt giúp món ăn ngọt hơn giống như mì chính.
Chính bởi vậy, những người bị mẫn cảm với mì chính và có các biểu hiện “say mì chính”, hoa mắt, chóng mặt, hay triệu chứng chân tay bủn rủn buồn nôn sau khi dùng mì chính thì cũng chớ nên coi thường khi dùng hạt nêm. Đặc biệt, những người bị dị ứng, cần kiêng mì chính thì cũng cần cẩn trọng khi sử dụng hạt nêm. Nhất là phụ nữ đang mang thai trong 3 tháng đầu hay trẻ sơ sinh càng cần cẩn thận khi dùng hạt nêm để nấu ăn.
Hạt nêm không thể thay thế muối Iot
Tổ chức y tế thế giới (WHO) khuyến cáo, một người không nên ăn quá 6 gram muối mỗi ngày, bao gồm cả bột canh, hạt nêm trong thức ăn, rau củ quả, dưa cà... Bởi vậy, bạn cần lưu ý, khi dùng hạt nêm nên bớt lượng muối, bột canh để bữa ăn của gia đình cân bằng hơn.
Trong thành phần hạt nêm không phải muối iot. Dùng nhiều loại gia vị này sẽ kéo theo lượng iot cần thiết cho cơ thể bị thiếu hụt. Vì vậy, nếu muốn sử dụng hạt nêm, bạn nên kết hợp liều lượng phù hợp với muối iot.
Hạt nêm không gây hại cho sức khỏe
Hạt nêm chứa nhiều nguyên liệu. Trong đó thành phần không thể thiếu là mì chính (chất điều vị 621) và hai chất điều vị 627, 631.
Theo các tài liệu khoa học, chất điều vị 627 và 631 có độ ngọt gấp 10-15 lần mì chính thông thường. Một thời gian, người tiêu dùng e ngại chất này có thể gây quái thai và rối loạn chuyển hóa. Bên cạnh đó, mì chính có thể gây nên “hội chứng nhà hàng Trung Quốc” với biểu hiện bủn rủn tay chân, chóng mặt, buồn nôn. Tuy nhiên, hiện nay cả 3 chất điều vị 621, 627, 631 đều nằm trong danh mục phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm.
Không nên ăn nhiều hạt nêm
Do tính tiện dụng, nhiều gia đình đã sử dụng hạt nêm thường xuyên, không bổ sung dinh dưỡng từ các thực phẩm tươi sống hàng ngày cho các bữa ăn dẫn tới thiếu chất, đặc biệt với trẻ nhỏ.
Thành phần và giá trị dinh dưỡng của một món ăn do các thực phẩm (nguyên liệu chính) dùng để chế biến món ăn đó cung cấp, ví dụ món ăn chế biến từ thịt/cá sẽ chứa nhiều chất đạm, dầu/mỡ cung cấp chất béo, rau xanh cho nhiều chất xơ và vitamin… Người nội trợ cần lưu ý đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng cho mọi thành viên trong gia đình thông qua bữa ăn đa dạng, có đủ bốn nhóm thực phẩm cơ bản cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể như chất bột đường, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất;
Việc sử dụng các gia vị chỉ để giúp tăng thêm mùi, vị và giúp món ăn thêm thơm ngon, đậm đà.